Đau bụng âm ỉ – Dấu hiệu cảnh báo 20 bệnh lý nguy hiểm
Đau bụng âm ỉ là hiện tượng mà bất kỳ ai cũng đã ít nhất một lần gặp phải. Đau bụng có thể do nhiều nguyên nhân. Nó có thể do những nguyên nhân không đáng lo ngại gây ra và có thể tự hết trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, đau bụng cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh lý nguy hiểm.

1. Đau bụng âm ỉ dưới rốn bị làm sao?
Vùng bụng dưới là vùng bụng nằm ở dưới rốn, chứa nhiều cơ quan như: niệu quản, ruột thừa, trực tràng, đại tràng, cơ quan sinh sản của nữ giới, cơ quan sinh sản của nam giới.
1.1. Viêm ruột thừa
Nếu đau bụng âm ỉ dưới rốn phía bên phải thì có thể bạn đang bị viêm ruột thừa. Kèm theo đó là các triệu chứng nôn, chán ăn, bụng sưng to,…
Ruột thừa là đoạn ruột nhỏ dài vài cm, là nơi nối tiếp giữa ruột non và ruột già. Một số nguyên nhân làm ruột thừa bị viêm như nhiễm khuẩn, do khối u hay tắc nghẽn chất thải.
Ruột thừa nếu không được cấp cứu kịp thời sẽ dẫn tới biến chứng vỡ ruột thừa và khi đó nhiễm trùng sẽ lây lan khắp vùng bụng, bệnh nhân sẽ nguy hiểm tới tính mạng
1.2. Hội chứng ruột kích thích
Là bệnh lý đường ruột phổ biến với tỷ lệ mắc 5-20%. Hội chứng ruột kích thích còn gọi là viêm đại tràng co thắt, viêm đại tràng chức năng, viêm đại tràng mãn tính là tình trạng rối loạn chức năng đường ruột gây ra những cơn đau quặn bụng hoặc âm ỉ ở phía bụng dưới, đầy hơi, tiêu chảy, táo bón,…
Tình trạng này thường xảy ra khi bệnh nhân ăn một số loại thực phẩm nhất định, stress, đang bị nhiễm khuẩn đường tiêu hóa,… Hội chứng ruột kích thích liên quan tới yếu tố di truyền. Nếu không được điều trị dứt điểm, bệnh sẽ tái đi tái lại nhiều lần.

1.3. Sỏi tiết niệu
Sỏi tiết niệu là hiện tượng chất khoáng trong nước tiểu kết tinh lại thành các cục cứng ở thận, bàng quang gây ra những cơn đau ở vùng bụng dưới. Kèm theo đó là các triệu chứng nước tiểu chuyển sang màu hồng hoặc màu đỏ, bí tiểu, tiểu rắt, thiểu niệu hoặc vô niệu, tiểu ra sỏi, có thể sốt cao, buồn nôn,…
Các yếu tố dẫn tới hình thành sỏi tiết niệu gồm: uống không đủ nước, chế độ ăn nhiều muối, nhiều đạm, bổ sung Calcium, Vitamin C sai cách, nhiễm trùng tiết niệu
Sỏi tiết niệu có thể gây ra các biến chứng như nhiễm trùng đường tiết niệu, suy thận, nhiễm trùng huyết nguy hiểm tới tính mạng
1.4. Nhiễm khuẩn đường tiết niệu
Nhiễm khuẩn đường tiết niệu là tình trạng viêm nhiễm xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập và tấn công các bộ phận của hệ tiết niệu (thận, niệu quản, bàng quang, niệu đạo).
Triệu chứng điển hình của bệnh là đau bụng dưới hoặc đau vùng chậu, nước tiểu đục, nặng mùi, nước tiểu có máu, tiểu bí, tiểu rát, sốt, buồn nôn, cảm giác ớn lạnh,…
Nhiễm trùng đường tiết niệu là bệnh phổ biến, thường gặp ở phụ nữ. Bệnh có thể được điều trị khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, nếu không được xử lý kịp thời thì có thể dẫn tới một số biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng thận cấp tính hoặc mạn tính khiến thận bị tổn thương vĩnh viễn, nhiễm khuẩn huyết nguy hiểm tới tính mạng,…
1.5. Đau bụng dưới âm ỉ ở nữ
– U nang buồng trứng:
Hiện tượng đau bụng âm ỉ dưới rốn có thể là dấu hiệu cảnh báo u nang buồng trứng.

U nang buồng trứng là một khối chứa dịch hoặc chất rắn như bã đậu xuất hiện ở bên trong buồng trứng. Đây là bệnh phụ khoa thường gặp ở phụ nữ với tỷ lệ mắc 5-10%, bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi.
Hầu hết các trường hợp u nang buồng trứng đều lành tính. Tuy nhiên, khi khối u phát triển quá lớn có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như xoắn buồng trứng, vỡ u,… Một số trường hợp có thể tiến triển thành u ác tính
Các trường hợp có nguy cơ cao mắc ung nang buồng trứng: phụ nữ có tiền sử sảy thai, người bị suy giáp, có kinh sớm hơn bình thường,…
– Có thai ngoài tử cung
Thai ngoài tử cung là hiện tượng thai không nằm trong tử cung mà làm tổ ở các vị trí khác như vòi trứng (chiếm 95% các trường hợp), buồng trứng, cổ tử cung, trong ổ bụng hoặc ngoài ổ phúc mạc.
Thai ngoài tử cung thường gây ra các cơn đau âm ỉ hoặc đau nhói vùng bụng dưới, chảy máu âm đạo bất thường.
Thai ngoài tử cung là một trong những biến chứng sản khoa nguy hiểm gây chảy máu ồ ạt, đe dọa trực tiếp tới tính mạng thai phụ nên cần phải xử lý ngay lập tức
Nguyên nhân mang thai ngoài tử cung là do viêm nhiễm ở vòi trứng, vùng chậu hoặc do dị tật ống dẫn trứng. Phụ nữ lớn tuổi, đã từng nạo phá thai, mắc các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục,… có nguy cơ cao mang thai ngoài tử cung
– Lạc nội mạc tử cung:
Lạc nội mạc tử cung là tình trạng tế bào nội mạc tử cung không chỉ phát triển ở trong tử cung mà còn phát triển ở các nơi khác ngoài tử cung, thường là các cơ quan trong khoang bụng.

Lạc nội mạc tử cung thường gặp ở phụ nữ ở độ tuổi 30-40 với tỷ lệ mắc 1/10.
Triệu chứng của bệnh: đau mạn tính vùng xương chậu, đau khi quan hệ, đau trong kỳ kinh nguyệt, ra máu giữa chu kỳ kinh nguyệt, buồn nôn,…
Các trường hợp có nguy cơ cao mắc bệnh này gồm: phụ nữ chưa từng có con, kinh nguyệt kéo dài hơn 7 ngày, người có chu kỳ kinh nguyệt ngắn (dưới 27 ngày), tiền sử gia đình có người mắc,…
– U xơ tử cung:
U xơ tử cung là khối u lành tính xuất hiện ở cơ trơn của dạ con. Bệnh thường gặp ở phụ nữ độ tuổi 30-40 với các triệu chứng: tức và đau vùng bụng dưới, kinh nguyệt không đều, đau khi quan hệ tình dục,…
Bệnh lý này có liên quan tới sự tăng bất thường nội tiết tố estrogen và gen di truyền. U xơ tử cung có thể gây ra hậu quả như thiếu máu, vô sinh, sảy thai,…
1.6. Đau bụng dưới âm ỉ ở nam
– Xoắn tinh hoàn
Xoắn tinh hoàn là tình trạng thừng tinh xoắn quanh tinh hoàn gây ra những cơn đau vùng bụng dưới dữ dội, tinh hoàn sưng to, phù nề, sốt, nôn mửa,…
Xoắn tinh hoàn thường xuất hiện ở thanh thiếu niên từ 12 tới 18 tuổi.
Các yếu tố nguy cơ gây ra xoắn tinh hoàn như chấn thương, thời tiết lạnh, bất thường trong cấu trúc thừng tinh hoàn bẩm sinh
– Viêm tuyến tiền liệt
Là tình trạng nhiễm trùng xảy ra ở tuyến tiền liệt của nam giới. Triệu chứng của viêm tuyến tiền liệt là đau vùng bụng dưới, sốt, buồn nôn, tinh dịch có máu, đau quanh gốc dương vật,…
Viêm tuyến tiền liệt nếu không được điều trị sẽ dẫn tới các biến chứng: áp xe tuyến tiền liệt, vô sinh, viêm bàng quang, nhiễm khuẩn huyết,…

1.7. Đau bụng dưới âm ỉ ở trẻ em
– Ngộ độc thực phẩm:
Đau bụng dưới rốn có thể là do ngộ độc thực phẩm.
Trẻ có thể vô tình ăn phải thực phẩm không đảm bảo vệ sinh hoặc thực phẩm bẩn bị nhiễm vi khuẩn, vi rút dẫn tới ngộ độc. Ngoài biểu hiện đau bụng dưới rốn thì trẻ bị ngộ độc thực phẩm còn có triệu chứng khác như nôn và buồn nôn, tiêu chảy nhiều lần, sốt cao, miệng khô, mạch nhanh,…
Trẻ sẽ dẫn mệt lả, mất nước trầm trọng thậm chí tử vong nếu không được bổ sung oresol kịp thời.
– Trẻ nhiễm giun sán:
Trẻ nhỏ thường hay bị nhiễm giun sán do chưa biết vệ sinh đúng cách. Trẻ hay đưa tay hay đồ chơi vào miệng làm trứng giun cũng theo đó xâm nhập vào cơ thể. Ở Việt Nam có tới 70-80% trẻ em bị nhiễm giun sán.
Triệu chứng khi trẻ bị nhiễm giun gồm: đau bụng vùng rốn hoặc dưới rốn, ngứa ngáy, nổi mẩn đỏ, giun có thể theo phân ra ngoài
Trẻ nhiễm giun thường suy dinh dưỡng còi cọc, nhiều trường hợp búi giun có thể gây tắc ruột, giun chui lên ống mật gây đau dữ dội,…
– Sỏi tiết niệu:
Trẻ bị đau bụng dưới cũng có thể do sỏi tiết niệu. Tuy nhiên đây là bệnh không phổ biến ở trẻ nhỏ.
Triệu chứng sỏi tiết niệu ở trẻ gồm: đau bụng dưới, vùng hông từng cơn, tiểu són, tiểu ra máu, tiểu rắt,…
Trẻ béo phì, bổ sung dư thừa các vi chất dinh dưỡng, ăn mặn, uống ít nước có nguy cơ bị sỏi tiết niệu
2. Đau bụng âm ỉ ở rốn
Vùng bụng quanh rốn bao gồm lá lách, tá tràng, gan, mật, tụy, dạ dày, hành tá tràng, thận và phía trên ống niệu quản, tĩnh mạch chủ bụng, động mạch chủ. Đau bụng âm ỉ quanh rốn có thể là dấu hiệu cảnh báo các bệnh lý của các cơ quan trên.

2.1. Phình động mạch chủ
Phình động mạch chủ là hiện tượng động mạch chủ tăng kích thước và biến dạng thành hình túi, hình thoi làm thành mạch dễ vỡ. Đây là bệnh lý nguy hiểm vì có thể gây mất máu cấp do vỡ mạch.
Các dấu hiệu nhận biết của bệnh: đau bụng vùng quanh rốn và lưng, bụng bị gồng cứng, tim đập nhanh, khó thở, hạ huyết áp,…
2.2. Thoát vị rốn
Thoát vị rốn là tình trạng nội tạng thoát ra ngoài tạo thành khối lồi ở rốn. Thoát vị rốn thường gặp ở trẻ sinh non hay nhẹ cân.
Dấu hiệu của bệnh là sờ thấy khối lồi ở rốn kèm theo đau bụng âm ỉ ở vị trí quanh rốn hay vị trí thoát vị
2.3. Nhiễm trùng đường tiết niệu
Nhiễm trùng được tiết niệu mà cụ thể là nhiễm trùng bàng quang cũng là một trong những nguyên nhân gây đau bụng quanh rốn.
Nếu tình trạng nhiễm trùng di chuyển lên thận thì cơn đau sẽ lan sang bụng trên hoặc lan sang phía sau lưng
Ngoài đau bụng thì nhiễm trùng tiết niệu còn có các triệu chứng điển hình khác như đau vùng chậu, đau khi đi tiểu, nước tiểu có mùi hôi, màu đục hoặc lẫn máu,…
2.4. Tắc nghẽn ruột non
Tắc nghẽn ruột non là tình trạng các chất trong lòng ruột bị tắc nghẽn không lưu thông được.
Nguyên nhân gây tắc nghẽn ruột non bao gồm các nguyên nhân trong lòng ruột (sỏi mật, khối u trong ruột, giun sán hay di vật), nguyên nhân ngoài thành ruột (xoắn ruột, thoát vị thành bụng,…), nguyên nhân ở thành ruột (u bướu, tụ máu ở thành ruột,…)

Các triệu chứng tắc nghẽn ruột non xuất hiện khá sớm và dồn dập như: xuất hiện những cơn đau bụng, chướng bụng ở quanh rốn hay vùng thượng vị, nôn mửa, bí trung tiện và đại tiện,…
Đây là bệnh lý tiêu hóa cấp tính nguy hiểm, nếu không được xử lý kịp thời sẽ dẫn tới thủng ruột, hoại tử ruột
2.5. Viêm phúc mạc
Phúc mạc là một màng mỏng, bọc lót mặt trong thành bụng, có nhiệm vụ bảo vệ các cơ quan trong ổ bụng. Nguyên nhân gây viêm phúc mạc là do nhiễm khuẩn, nhiễm nấm.
Bệnh nhân viêm phúc mạc có các triệu chứng sau: đau bụng dữ dội, sốt cao liên tục, đầy hơi, khó tiêu, buồn nôn, cảm giác khó chịu trong ổ bụng,…
Viêm phúc mạc là bệnh lý ngoại khoa nguy hiểm. Nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây ra các biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng huyết, bệnh não gan, hội chứng gan thận,…
3. Đau bụng âm ỉ ở trên rốn
Đau bụng trên rốn là tình trạng xuất hiện các cơ đau trên vùng rốn và dưới xương sườn. Vùng bụng trên rốn có chứa nhiều cơ quan: dạ dày, tá tràng, lá lách, túi mật, thận, đại tràng. Đau bụng có thể đi kèm với các triệu chứng khác như ợ hơi, buồn nôn, mệt mỏi,…
Do đó khi đau bụng xảy ra ở vị trí này có thể do nhiều nguyên nhân gây ra.
3.1. Chướng hơi
Chướng hơi là trường hợp trong đường tiêu hóa xuất hiện nhiều khí hơn bình thường. Chướng hơn thường có các dấu hiệu: đau bụng trên rốn theo từng cơn, ợ hơi hoặc xì hơi, tiêu chảy, táo bón,…

Tình trạng này thường không nghiêm trọng nhưng nếu có kèm theo các triệu chứng khác như sốt, nôn mửa hay đau bụng dữ dội cần đến cơ sở y tế để khám và điều trị càng sớm càng tốt
Để phòng tránh hiện tượng chướng hơi, bệnh nhân cần ăn chậm, nhai kỹ và hạn chế thực phẩm có khả năng làm tăng lượng khí trong bụng
3.2. Viêm dạ dày
Viêm dạ dày là tình trạng lớp niêm mạc bị tổn thương do vi khuẩn tấn công hoặc do sự bài tiết bất thường của acid dịch vị trong cơ thể.
Dấu hiệu nhận biết viêm dạ dày gồm: đau thành từng cơn hoặc đau âm ỉ vùng thượng vị, đau nhiều khi đói hoặc sau ăn kèm cảm giác nóng rát vùng thường vị, ợ hơi, ợ chua, nôn và buồn nôn
Nguyên nhân gây viêm dạ dày là do nhiễm vi khuẩn H.P, tác dụng phụ của các thuốc (aspirin, thuốc giảm đau chống viêm NSAID, rượu, stress,…
3.3. Viêm ruột thừa
Khi bắt đầu bị viêm ruột thừa, người bệnh sẽ có cảm giác đau âm ỉ vùng quanh rốn. Các cơn đau sẽ di chuyển sang vùng bụng dưới bên phải khi tình trạng nhiễm trùng ngày càng nghiêm trọng.
Nếu không được xử lý kịp thời, ruột thừa có nguy cơ bị vỡ gây nguy hiểm đến tính mạng
3.4. Sỏi mật
Sỏi mật là loại sỏi được hình thành trong túi mật hoặc ống dẫn mật. Sỏi mật gây ra tắc nghẽn túi mật khiến người bệnh cảm giác được những cơ đau dữ dội ở vùng hạ sườn phải kèm theo các triệu chứng như mệt mỏi, nôn mửa, kiệt sức,…
Nếu không được điều trị sẽ gây cản trở hoạt động của gan, tụy và gây ra tình trạng vàng da, vàng mắt, viêm tụy.

3.5. Tắc ruột
Tắc ruột là tình trạng ruột bị tắc nghẽn cơ học làm cản trở sự di chuyển của thức ăn khiến chúng tích tụ lại và gây bít tắc đường ruột. Triệu chứng điển hình của tắc ruột gồm: đau bụng, chướng bụng, buồn nôn, bí đại tiện. Bệnh nhân bị tắc ruột nếu không được cấp cứu sớm sẽ dễ bị thủng ruột hoặc nhiễm trùng ruột
4. Khi nào đau bụng quanh rốn cần đi khám bác sĩ?
Đau bụng do nhiều nguyên nhân gây ra. Đó có thể là những nguyên nhân không đáng lo ngại nhưng cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo các bệnh lý nguy hiểm cần cấp cứu ngay.
Khi bị đau bụng, bệnh nhân cần tới ngay các cơ sở y tế nếu có các dấu hiệu sau:
- Bụng đau dữ dội và kéo dài vài giờ liền
- Đau bụng khi đang mang thai, có thể kèm chảy máu âm đạo
- Đau bụng kèm nôn ra máu hoặc khó thở
- Đau bụng kèm đi ngoài phân dính máu, đi ngoài phân đen
- Đau bụng kèm đi tiểu ra máu
- Đau bụng lan tới ngực, cổ hay vai
- Đau bụng kèm sốt, đổ mồ hôi
- Đau bụng kèm dấu hiệu lơ mơ, da nhợt nhạt
- Đau bụng kèm chướng bụng và không thể đi tiểu được
Đau bụng âm ỉ là dấu hiệu của nhiều bệnh lý ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe. Chính vì vậy, người bệnh cần cảnh giác khi xuất hiện những cơn đau ở bụng và đi khám kịp thời để phòng ngừa tình trạng nguy hiểm. Bạn có thể liên hệ với các Dược sĩ, Bác sĩ của chúng tôi qua hotline 1800 6527 ngay nhé!