Thông tin chi tiết về hóa trị ung thư vú

 92 lượt xem

Với các bệnh nhân ung thư vú, hóa trị thường là một trong những phương pháp được áp dụng phổ biến nhất hiện nay. Vậy, hóa trị ung thư vú là gì? Có tác dụng phụ không? Chi phí ra sao? Cùng tìm hiểu ngay trong bài viết dưới đây!

Hóa trị là một trong những phương pháp chính để điều trị ung thư vú
Hóa trị là một trong những phương pháp chính để điều trị ung thư vú

1. Hóa trị ung thư vú là gì?

Hóa trị ung thư vú là phương pháp sử dụng hóa chất nhằm tiêu diệt hoặc ngăn chặn các tế bào ung thư vú phát triển. Đây được coi là liệu pháp toàn thân vì nó chuyển hóa theo dòng máu và ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể.

Khác với tế bào bình thường, các tế bào ung thư vú thường có tốc độ phân chia rất nhanh, phát triển không theo một trật tự nào.Hóa trị trong điều trị ung thư vú tác dụng thông qua cơ chế phá hủy hoặc ức chế quá trình phân chia của các tế bào có tốc độ phân chia bất thường. 

Tuy nhiên, một số tế bào khỏe mạnh trong cơ thể cũng có tốc độ phân chia khá nhanh như tế bào nang lông, tế bào móng tay, tế bào tủy xương, tế bào trong đường tiêu hóa, khoang miệng… Do đó, chúng có thể bị ảnh hưởng bởi thuốc hóa trị dẫn đến một số tác dụng phụ như buồn nôn, nôn, rụng tóc…

2. Hóa trị ung thư vú được chỉ định khi nào? 

Hóa trị là phương pháp được chỉ định phổ biến cho các bệnh nhân ung thư vú. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng phải làm hóa trị. Dưới đây là một số trường hợp điển hình thường được chỉ định hóa trị ung thư vú:

  • Tân bổ trợ trước khi phẫu thuật ung thư vú: Với những bệnh nhân có kích thước khối u lớn, bác sĩ thường sẽ chỉ định thực hiện hóa trị trước khi phẫu thuật để giảm thiểu kích thước khối u, giúp quá trình phẫu thuật ít xâm lấn hơn.
  • Bổ trợ sau mổ ung thư vú: Hóa trị được chỉ định sau mổ ung thư vú nhằm mục đích tiêu diệt toàn bộ tế bào ung thư còn sót lại sau phẫu thuật. Từ đó, giảm nguy cơ tái phát ung thư vú cho người bệnh.
  • Hóa trị liệu ung thư vú di căn: Với các trường hợp ung thư vú di căn, bác sĩ thường chỉ định kết hợp nhiều phương pháp điều trị để đảm bảo hiệu quả tốt nhất như phẫu thuật và hóa trị, hóa trị và xạ trị ung thư vú,… 
  • Điều trị ung thư vú tái phát: Tùy loại ung thư vú tái phát, bác sĩ có thể chỉ định hóa trị, phẫu thuật, hóa xạ trị hay kết hợp hóa trị và phẫu thuật…
  • Ngoài ra, hóa trị còn được áp dụng cho các bệnh nhân ung thư vú không nhạy cảm với liệu pháp hormone, HER2+, ung thư vú bộ ba âm tính hoặc ung thư vú dạng viêm
Hóa trị ung thư vú thường được chỉ định kết hợp với phẫu thuật
Hóa trị ung thư vú thường được chỉ định kết hợp với phẫu thuật

3. Các loại hóa chất sử dụng trong điều trị ung thư vú

Hiện nay, có khá nhiều loại hóa chất được sử dụng trong điều trị ung thư vú. Trên thực tế lâm sàng, có hai nhóm hóa chất được dùng rất thường xuyên như sau:

  • Nhóm Anthracycline: Cơ chế tác động đến gen, quá trình phân chia tế bào ung thư, gồm: Adriamycin (dược chất Doxorubicin), Doxil (dược chất Doxorubicin), Daunorubicin, Ellence (dược chất Epirubicin) và Mitoxantrone… 
  • Nhóm Taxanes: Cơ chế ức chế sự phân chia của tế bào ung thư, gồm: Taxol (dược chất Paclitaxel), Abraxane (dược chất albumin-bind hoặc nab-paclitaxel) và Taxotere (dượcchất Docetaxel)…
Một số thuốc hóa trị thường được sử dụng trong điều trị ung thư vú
Một số thuốc hóa trị thường được sử dụng trong điều trị ung thư vú

4. Phác đồ hóa trị ung thư vú

Tùy theo tình trạng, sức khỏe của bệnh nhân mà bác sĩ sẽ chỉ định phác đồ hóa trị cho bệnh ung thư vú phù hợp và hiệu quả nhất.

4.1. Phác đồ hóa trị bổ trợ trước và sau mổ ung thư vú

Phác đồ hóa trị cho ung thư vú có HER2 âm tính: Dưới đây là 3 phác đồ được áp dụng phổ biến nhất: 

Phác đồ 1: 4AC – 4T liều dày (Mức độ khuyến cáo 1): 

  • Ngày 1: Doxorubicin 60mg/m2 truyền tĩnh mạch (TTM).
  • Ngày 1: Cyclophosphamide 600mg/m2 TTM. Chu kỳ 14 ngày x 4 chu kỳ, sau đó tiếp tục:
  • Ngày 1: Paclitaxel 175mg/m2 TTM (3h). Chu kỳ 14 ngày x 4 chu kỳ (sử dụng tăng bạch cầu GCSF dự phòng tất cả các đợt truyền).

Phác đồ 2: 4AC liều dày – paclitaxel hàng tuần (Mức độ khuyến cáo 1):

  • Ngày 1: Doxorubicin 60mg/m2 TTM.
  • Ngày 1: Cyclophosphamide 600mg/m2 TTM. Chu kỳ 14 ngày x 4 chu kỳ, sau đó tiếp tục:
  • Ngày 1: Paclitaxel 80mg/m2 TTM (1h). Chu kỳ 7 ngày x 12 chu kỳ.

Phác đồ 3: TC (Mức độ khuyến cáo 1):

  • Ngày 1: Docetaxel 75mg/m2 TTM.
  • Ngày 1: Cyclophosphamide 600mg/m2 TTM. Chu kỳ 21 ngày x 4 chu kỳ (sử dụng tăng bạch cầu GCSF dự phòng tất cả các đợt truyền).

Phác đồ hóa trị cho ung thư vú có HER2 dương tính: Dưới đây là 2 phác đồ được áp dụng phổ biến nhất: 

Phác đồ 1: 4AC – paclitaxel + trastuzumab

  • Ngày 1: Doxorubicin 60mg/m2 TTM.
  • Ngày 1: Cyclophosphamide 600mg/m2 TTM. Chu kỳ 21 ngày x 4 chu kỳ, sau đó tiếp tục:
  • Ngày 1: Paclitaxel 80mg/m2 TTM (1h) hàng tuần x 12 tuần.
  • Ngày 1: Trastuzumab 4mg/kg TTM (tuần đầu tiên), các tuần tiếp theo Trastuzumab 2mg/kg TTM đến đủ 1 năm điều trị.

Phác đồ 2: TCH + pertuzumab

  • Ngày 1: Trastuzumab 8mg/kg TTM đợt đầu tiên, sau đó 6mg/kg TTM.
  • Ngày 1: Pertuzumab 840mg TTM đợt đầu tiên, sau đó 420mg/kg TTM.
  • Ngày 1: Docetaxel 75mg/m2 TTM.
  • Ngày 1: Carboplatin AUC 6mg*phút/ml TTM. Chu kỳ 21 ngày x 6 chu kỳ, sau đó tiếp tục:
  • Trastuzumab 6mg/kg TTM mỗi 3 tuần, duy trì đến đủ 1 năm điều trị.

Lưu ý: Bệnh nhân cần kiểm tra chức năng tim mạch trước khi bắt đầu điều trị, và sau 3, 6, 9 tháng kể từ khi điều trị.

4.2. Phác đồ hóa trị ung thư vú di căn

Phác đồ đơn hóa chất

  • Doxorubicin: Ngày 1: Doxorubicin 60-75mg/m2 TTM, chu kỳ 21 ngày hoặc ngày 1: Doxorubicin 20mg/m2 TTM,chu kỳ hàng tuần.
  • Pegylated liposomal doxorubicin: Ngày 1: Pegylated liposomal doxorubicin 50mg/m2 TTMv, chu kỳ 28 ngày.
  • Paclitaxel: Ngày 1: Paclitaxel 175mg/m2 TTM, chu kỳ 21 ngày hoặc: 80mg/m2 hàng tuần.
  • Capecitabine: Ngày 1-14: Capecitabine 1000-1250mg/m2 đường uống x 2 lần/ngày, chu kỳ 21 ngày.
  • Gemcitabine: Ngày 1-9-15: Gemcitabine 800-1200mg/m2 TTM, chu kỳ 28 ngày.
  • Vinorelbine: Ngày 1: Vinorelbine 25mg/m2 TTM, chu kỳ hàng tuần.
  • Eribulin: Ngày 1-8: Eribulin 1.4mg/m2 TTM, chu kỳ 21 ngày.

Phác đồ đa hóa chất

  • CAF: Ngày 1-14: Cyclophosphamide 100mg/m2 đường uống. Ngày 1-8: Doxorubicin 30mg/m2 TTM. Ngày 1-8: 5FU 500mg/m2 TTM. Chu kỳ 28 ngày.
  • FAC: Ngày 1-8 hoặc ngày 1-4: 5FU 500mg/m2 TTM. Ngày 1: Doxorubicin 50mg/m2 TTM. Ngày 1: Cyclophosphamide 500mg/m2 TTM. Chu kỳ 21 ngày.
  • FEC: Ngày 1-8: Cyclophosphamide 400mg/m2 TTM. Ngày 1-8: Epirubicin 50mg/m2 TTM. Ngày 1-8: 5FU 500mg/m2 TTM. Chu kỳ 28 ngày.
  • AC: Ngày 1: Doxorubicin 60mg/m2 TTM. Ngày 1: Cyclophosphamide 600mg/m2 TTM. Chu kỳ 21 ngày.
  • EC: Ngày 1: Epirubicin 75mg/m2 TTM. Ngày 1: Cyclophosphamide 600mg/m2 TTM. Chu kỳ 21 ngày.

Tùy từng bệnh nhân cụ thể sẽ phù hợp với những phác đồ hóa trị khác nhau

5. Hóa trị cho bệnh nhân ung thư vú được thực hiện thế nào?

Thuốc hóa trị thường được tiêm hoặc truyền qua đường tĩnh mạch. Người bệnh thường được điều trị như bệnh nhân ngoại trú, có thể chỉ cần đến bệnh viện khi phải truyền hóa chất. Tuy nhiên, với những trường hợp ung thư vú nặng, người bệnh cần phải ở lại bệnh viện để theo dõi tình trạng cơ thể đáp ứng với thuốc. 

Bên cạnh đó, vẫn có một số ít hóa chất điều trị ung thư vú có thể được dùng theo đường uống (thuốc viên), tiêm dưới da hoặc tiêm bắp…

Quá trình hóa trị ung thư vú được thực hiện theo chu kỳ, chia thành 2 giai đoạn điều trị và phục hồi. Bởi hóa chất có thể tác động đến một số tế bào khỏe mạnh nên thường tiến hành hóa trị cho bệnh nhân 1 ngày đầu, sau đó cho người bệnh 3 tuần nghỉ ngơi để cơ thể thích nghi và hồi phục. 

Tùy từng loại hóa chất mà chu kỳ đưa hóa chất vào cơ thể có thể khác nhau. Thông thường, hóa chất được tiêm 3 tuần 1 lần, một đợt điều trị có thể kéo dài từ 3 – 6 tháng.

Hóa chất thường được đưa vào cơ thể qua đường tiêm truyền tĩnh mạch
Hóa chất thường được đưa vào cơ thể qua đường tiêm truyền tĩnh mạch

6. Tác dụng phụ của hóa trị ung thư vú

Như đã nêu ở trên, các thuốc hóa trị có thể tác động đến một số tế bào bình thường khỏe mạnh trong cơ thể người bệnh. Do đó, khi điều trị ung thư vú bằng phương pháp hóa trị, bệnh nhân có thể sẽ gặp một hoặc nhiều tác dụng phụ. Mức độ xuất hiện các tác dụng phụ của hóa trị sẽ phụ thuộc vào loại hóa chất sử dụng, tình trạng sức khỏe của người bệnh… Lưu ý rằng dù có dùng chung một phác đồ điều trị ung thư vú thì nhiều người bệnh khác nhau có thể gặp phải những tác dụng phụ khác nhau.

Tác dụng phụ ngắn hạn:

  • Người xanh xao, mệt mỏi, gầy yếu do thiếu máu, giảm số lượng tế bào hồng cầu.
  • Giảm cảm giác thèm ăn, loét miệng họng, buồn nôn, nôn, táo bón, tiêu chảy…
  • Giảm số lượng bạch cầu, tăng nguy cơ nhiễm trùng.
  • “Não hóa trị”: xuất hiện vấn đề về trí nhớ, tư duy.
  • Rụng tóc, móng tay dễ gãy.
  • Tổn thương dây thần kinh ở bàn tay, bàn chân…
  • Triệu chứng mãn kinh: bốc hỏa, khô âm đạo…
Bệnh nhân ung thư vú thường bị rụng tóc khi thực hiện hóa trị
Bệnh nhân ung thư vú thường bị rụng tóc khi thực hiện hóa trị

Tác dụng phụ lâu dài:

  • Vô sinh: Một số loại hóa chất điều trị ung thư vú có thể tác động đến buồng trứng, gây mãn kinh sớm hoặc ức chế quá trình rụng trứng dẫn đến vô kinh. Từ đó, khiến cho phụ nữ không thể mang thai nếu không có các biện pháp hỗ trợ sinh sản. Với nam giới bị ung thư vú, một số hóa chất có thể khiến tế bào gốc sinh tinh tổn thương dẫn đến vô sinh vĩnh viễn.
  • Mất xương, mỏng xương: Hóa chất có thể gây mãn kinh sớm ở phụ nữ đồng thời gây mật độ xương thấp làm tăng nguy cơ loãng xương, mỏng xương.
  • Tổn thương tim: Các hóa chất Adriamycin, Doxil và Ellence thuộc nhóm Anthracycline có thể gây độc trên tim. Do đó, khi sử dụng các loại hóa chất này, người bệnh cần được kiểm tra chức năng tim thường xuyên.
  • Bệnh bạch cầu: Hóa chất có thể làm giảm số lượng bạch cầu, trong một số trường hợp rất hiếm có thể dẫn đến các bệnh bạch cầu như ung thư bạch cầu thứ phát…

7. Chi phí hóa trị ung thư vú

Hầu hết người bệnh đều băn khoăn, lo lắng về chi phí hóa trị ung thư vú. Liệu chi phí điều trị ung thư vú bằng phương pháp hóa trị có quá cao không? 

Tương tự với những bệnh ung thư khác, chi phí hóa trị ung thư vú phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như tình trạng bệnh, phác đồ điều trị, khả năng đáp ứng của bệnh nhân, cơ sở điều trị…

Nói chung, chi phí chữa trị ung thư nói chung và ung thư vú nói riêng là con số không nhỏ. Ngoài chi phí hóa trị, người bệnh còn cần chi trả thêm các chi phí khác như: thăm khám ban đầu, xét nghiệm, dụng cụ y tế tiêm truyền, chi phí đi lại, ăn ở… Vậy nên, người bệnh nên chuẩn bị trước cả về mặt tinh thần cũng như về kinh tế khi thực hiện hóa trị ung thư vú.

8. Cần chuẩn bị gì trước khi hóa trị ung thư vú?

Điều quan trọng nhất người bệnh cần chuẩn bị trước khi hóa trị ung thư vú chính là một tinh thần lạc quan, thoải mái. 

Nhiều bệnh nhân khi nhắc đến hóa trị ung thư đều lo sợ rằng đây là một “án tử’’. Nhưng với sự phát triển y khoa ngày nay, đã có rất nhiều loại hóa chất hiệu quả cao, ít tác dụng phụ được sử dụng. Rất nhiều bệnh nhân ung thư vú sau khi điều trị không có dấu hiệu tái phát, thời gian sống kéo dài hàng chục năm.

Do đó, người bệnh hãy luôn giữ cho mình trạng thái thoải mái, vui vẻ trước khi hóa trị ung thư vú để đạt hiệu quả tốt nhất.

Ngoài ra, bệnh nhân cần chuẩn bị một sức khỏe thật tốt. Người bệnh nên ăn nhiều thực phẩm lành mạnh như rau xanh, trái cây… đồng thời tập luyện thể dục nhẹ nhàng để tăng cường sức đề kháng và miễn dịch. Từ đó, giúp tăng cường sức khỏe, hạn chế một số tác dụng phụ khi hóa trị.

Bệnh nhân nên chuẩn bị tinh thần lạc quan đối mặt với hóa trị ung thư vú
Bệnh nhân nên chuẩn bị tinh thần lạc quan đối mặt với hóa trị ung thư vú

Trên đây là toàn bộ thông tin chi tiết về “hóa trị ung thư vú”. Hy vọng bài viết này đã cung cấp cho người bệnh ung thư vú những thông tin hữu ích về phương pháp hóa trị. Cho đến nay, hóa trị ung thư vú đã không còn quá đáng sợ nữa, nên người bệnh hãy vững tin kiên trì điều trị bệnh để đạt hiệu quả tốt nhất nhé!

5/5 - (1 bình chọn)
Theo dõi
Thông báo của

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận