Ung thư tái phát: Nguyên nhân, dấu hiệu và phương pháp điều trị
Ung thư tái phát là một thách thức lớn đối với những người đã trải qua điều trị ung thư. Dù kết quả điều trị ung thư đã ổn định thì nguy cơ tái phát vẫn luôn tiềm ẩn. Bài viết này sẽ cung cấp những thông tin chi tiết về tình trạng ung thư tái phát cho người bệnh!

1. Ung thư tái phát là gì?
Có rất nhiều bệnh nhân ung thư thắc mắc rằng “Ung thư có tái phát không?’’ Câu trả lời là tất cả các loại ung thư sau khi đã được kiểm soát cũng đều có nguy cơ tiềm ẩn tái phát lại.
Ung thư tái phát là tình trạng ung thư quay trở lại sau một thời gian điều trị ổn định. Bởi sau quá trình điều trị, một số tế bào ung thư có thể vẫn còn sót lại. Những tế bào này có thể ở tại khối u nguyên phát ban đầu hoặc di chuyển đến xâm lấn các cơ quan khác. Khi gặp điều kiện thuận lợi, chúng sẽ tiếp tục phát triển hình thành khối u dẫn đến sự tái phát ung thư.
Trong một số trường hợp hiếm hoi, người bệnh có thể được chẩn đoán mắc một loại ung thư mới hoàn toàn không liên quan đến căn bệnh ung thư ban đầu. Đây được gọi là ung thư nguyên phát thứ hai.
Đôi khi hai khái niệm ung thư tái phát và ung thư tiến triển rất dễ bị nhầm lẫn. Ung thư tái phát là tình trạng ung thư quay trở lại sau khi đã được kiểm soát, còn ung thư tiến triển là tình trạng ung thư phát triển và lan rộng mà chưa từng được điều trị ổn định. Nó thường phụ thuộc vào thời gian mà người bệnh không tìm thấy dấu hiệu của bệnh ung thư.
Không có khoảng thời gian tiêu chuẩn để xác định chính xác đó là ung thư tái phát hay tiến triển. Nhưng hầu hết các bác sĩ đều coi ung thư tái phát là tình trạng sau khi người bệnh không có dấu hiệu nào của bệnh trong ít nhất một năm. Thời gian tái phát ung thư thường là sau 2 – 3 năm điều trị.
2. Những loại ung thư nào có nhiều khả năng tái phát?
Hầu hết các bệnh ung thư đều có khả năng tái phát. Tỷ lệ tái phát tùy thuộc vào các yếu tố như loại ung thư, giai đoạn bệnh, phương pháp điều trị ban đầu…
Một số loại ung thư sau được cho là có nhiều khả năng tái phát như ung thư não nguyên phát (100%), ung thư buồng trứng giai đoạn muộn (70%), ung thư đại trực tràng (50%), ung thư hạch tế bào T ngoại biên (PTCL) , một loại ung thư hạch không Hodgkin…
Trong tương lai, các thử nghiệm di truyền có thể dự đoán một số bệnh ung thư nhất định, như ung thư vú, ung thư đại tràng… có quay trở lại hay không.

3. Ung thư thường tái phát ở vị trí nào?
Ung thư có thể tái phát tại vị trí ban đầu hoặc lan sang một vị trí khác. Dưới đây là các vị trí ung thư thường tái phát:
- Tái phát cục bộ: có nghĩa là ung thư đã quay trở lại cùng vị trí hoặc rất gần với khối u ban đầu.
- Tái phát khu vực: có nghĩa là ung thư đã quay trở lại các hạch bạch huyết gần với khối u ban đầu.
- Tái phát xa: có nghĩa là ung thư đã quay trở lại ở một bộ phận khác của cơ thể.

4. Tại sao ung thư tái phát trở lại sau khi điều trị khỏi?
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc ung thư tái phát trở lại sau khi điều trị khỏi.
Trong đó nguyên nhân chính là do phương pháp điều trị người bệnh thực hiện trước đây không tiêu diệt được tất cả các tế bào ung thư trong cơ thể. Ngay cả những tế bào rất nhỏ còn sót lại cũng có thể phát triển thành khối u theo thời gian.
Điều đó không có nghĩa là phương pháp điều trị cho người bệnh sai. Tế bào ung thư rất phức tạp và một số có thể sống sót sau các liệu pháp điều trị tích cực. Do đó, dù phương pháp điều trị hiệu quả ra sao thì vẫn sẽ có tỷ lệ bỏ sót một số tế bào ung thư.
Ví dụ, phẫu thuật cắt bỏ khối ung thư là phương pháp có khả năng cao không thể tiêu diệt được tất cả các tế bào ung thư. Người ta thường kết hợp phẫu thuật với hóa trị, xạ trị để tăng khả năng loại bỏ được hết các tế bào ung thư còn sót lại sau phẫu thuật.
5. Triệu chứng của ung thư tái phát
Triệu chứng của ung thư tái phát phụ thuộc vào từng loại ung thư, vị trí tái phát, tình trạng sức khỏe của người bệnh… Dưới đây là một số dấu hiệu thường gặp khi người bệnh xuất hiện tình trạng ung thư tái phát:
Người bệnh có các triệu chứng giống hoặc gần giống với các triệu chứng khi phát hiện ung thư trước đó.
- Thường xuyên đau đớn ở một vùng nào đó.
- Sút cân nghiêm trọng.
- Người luôn cảm thấy mệt mỏi, xanh xao.
- Chán ăn, thường xuyên táo bón, tiêu chảy.
- Chảy máu bất thường.
- Sốt cao liên tục bất thường.
- Hiện tượng phân hoặc nước tiểu có lẫn máu.
- Thường xuyên buồn nôn, nôn…
Khi người bệnh nhận thấy một số dấu hiệu bất thường về sức khỏe, nên nhanh chóng đến bệnh viện kiểm tra để xác định có phải ung thư tái phát hay không. Phát hiện càng sớm thì có thể đưa ra các phương pháp điều trị thích hợp và đạt hiệu quả cao.

6. Ung thư tái phát được chẩn đoán như thế nào?
Ung thư tái phát có thể được chẩn đoán bằng nhiều xét nghiệm tương tự như khi chẩn đoán ung thư ban đầu. Các xét nghiệm để chẩn đoán ung thư tái phát có thể bao gồm:
- Sinh thiết: Đây là kỹ thuật thường xuyên được sử dụng để chẩn đoán ung thư, kể cả ung thư tái phát. Bác sĩ sẽ thực hiện thủ thuật lấy các mẫu mô bệnh phẩm tại vị trí nghi ngờ ung thư để tiến hành kiểm tra tìm các dấu hiệu ung thư. Hiện nay có nhiều loại sinh thiết đã được áp dụng trên thực tế như sinh thiết dưới hướng dẫn bằng hình ảnh, sinh thiết nội soi, sinh thiết cắt bỏ hoặc rạch, sinh thiết tủy xương…
- Xét nghiệm máu: Xét nghiệm này phân tích số lượng tế bào máu, tiểu cầu, bạch cầu, các kháng thể miễn dịch… để kiểm tra có bất thường hay không.

- Sinh thiết lỏng: Xét nghiệm này giúp tìm kiếm các tế bào ung thư hoặc DNA từ các tế bào ung thư có xuất hiện trong máu hay không.
- Xét nghiệm đánh dấu khối u: Sử dụng chất đánh dấu là những chất có thể phản ứng với các tế bào ung thư giúp xác định vị trí nào xuất hiện khối u trong cơ thể.
- Kiểm tra hình ảnh: Chụp cắt lớp vi tính (CT), chụp cộng hưởng từ (MRI), chụp cắt lớp phản xạ Positron (PET)…
- Phân tích nước tiểu: Đo lượng nước tiểu, phân tích lượng đường, protein…. và kiểm tra mẫu ngước tiểu của người bệnh có tế bào máu hay không.
7. Ung thư tái phát có chữa được không?
Ung thư tái phát không phải lúc nào cũng có thể đáp ứng tốt với điều trị như lần đầu tiên. Việc điều trị ung thư tái phát cũng phức tạp hơn và hiệu quả phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như loại ung thư, vị trí tái phát, mức độ xâm lấn của khối u, phương pháp điều trị lần đầu tiên… Thông thường, các phương pháp điều trị ung thư tái phát nhằm mục đích chăm sóc giảm nhẹ kiểm soát bệnh ung thư, ngăn chặn sự phát triển và lan rộng thêm của các tế bào ung thư, ít có khả năng chữa khỏi hoàn toàn.
Nếu ung thư chỉ tái phát ở vị trí ban đầu thì phẫu thuật hoặc xạ trị có thể là sự lựa chọn tốt. Nhưng nếu ung thư tái phát tại các vùng xa của cơ thể, người bệnh có thể cần các phương pháp điều trị tích cực hơn, như hóa trị trước hoặc sau phẫu thuật, liệu pháp sinh học, hóa – xạ trị, liệu pháp nhắm mục tiêu…

8. Tiên lượng của ung thư tái phát
Thực tế, có rất nhiều người lo lắng rằng bệnh ung thư sẽ quay trở lại. Theo thống kê của Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, một năm sau khi được chẩn đoán, khoảng 2/3 bệnh nhân lo lắng về việc bệnh của họ sẽ quay trở lại.
Ung thư có thể chỉ tái phát một lần hoặc nhiều lần, thậm chí có thể không được chữa khỏi tùy từng loại bệnh ung thư mà người bệnh mắc phải. Điều này nghe có vẻ đáng sợ nhưng thực tế đã có rất nhiều người bị ung thư tái phát vẫn có thể sống được nhiều tháng hay nhiều năm khi phát hiện sớm và được điều trị đúng cách.
Tiên lượng của ung thư tái phát tốt hay xấu phụ thuộc vào nhiều yếu tố như loại ung thư, khả năng đáp ứng điều trị của cơ thể, tình trạng sức khỏe, phương pháp điều trị…
9. Làm thế nào để ung thư không tái phát trở lại?
Ung thư tái phát là điều không ai mong muốn khi đã kiểm soát được tình trạng ung thư trước đó. Vậy, làm sao để ung thư không tái phát? Cách ngăn ngừa ung thư tái phát như thế nào? Có thuốc chống tái phát ung thư hay không?
Dưới đây là câu trả lời người bệnh không nên bỏ qua nếu muốn giảm nguy cơ ung thư tái phát trở lại:
- Chế độ dinh dưỡng khoa học, lành mạnh: Người bệnh nên ăn nhiều các thực phẩm chống ung thư tái phát như rau xanh, trái cây, thịt trắng… Nên hạn chế ăn các loại thịt đỏ, rượu bia, thuốc lá… Uống đủ 2 lít nước/ngày.
- Vận động, tập thể dục đều đặn: Các chuyên gia khuyến cáo, người bệnh ung thư nên hoạt động thể lực nhẹ nhàng 30 phút mỗi ngày để tăng cường sức khỏe, giảm căng thẳng và nâng cao sức đề kháng, miễn dịch cho cơ thể. Người bệnh có thể thử các bài tập yoga, đi bộ nhẹ nhàng…

- Luôn giữ tinh thần lạc quan: Khi người bệnh có tinh thần vui vẻ, thoải mái thì cơ thể cũng sẽ đáp ứng tốt với các phương pháp điều trị và cho kết quả tốt hơn. Người bệnh không nên lo lắng tình trạng ung thư sẽ tái phát mà chán nản, hay suy nghĩ làm thế nào để đối mặt được với ung thư một lần nữa. Thực tế đã có rất nhiều người bị tái phát ung thư vẫn có thể sống thêm nhiều năm khỏe mạnh.
- Khám định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ: Sau khi kiểm soát được ung thư lần đầu tiên, người bệnh sẽ được đặt lịch hẹn khám định kỳ thường xuyên để xác định tình trạng ung thư có tái phát hay không. Do đó, người bệnh không nên bỏ qua bất kỳ một buổi khám định kỳ nào.
- Theo dõi phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường: Người bệnh nên thường xuyên chú ý đến sức khỏe cơ thể. Ngay khi thấy có những dấu hiệu bất thường cần đi kiểm tra ngay để phát hiện sớm nếu có ung thư tái phát trở lại.
Tóm lại, ung thư tái phát là tình trạng ung thư quay trở lại sau khi đã được kiểm soát ổn định. Tỷ lệ tái phát cao hay thấp phụ thuộc vào từng loại ung thư, tình trạng sức khỏe, tuổi tác, bệnh nền… Người bệnh nên chú ý xây dựng chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh để hạn chế tối đa nguy cơ tái phát ung thư.