Ung thư vú tái phát: Dấu hiệu, cách điều trị và phòng ngừa

 80 lượt xem

Sau khi điều trị xong ung thư vú, điều mà nhiều người bệnh lo ngại nhất chính là tình trạng tái phát ung thư. Dấu hiệu nào cảnh báo ung thư vú tái phát? Cách điều trị và phòng ngừa ung thư vú tái phát như thế nào? Cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây!

1. Ung thư vú tái phát là gì?

Ung thư vú tái phát là tình trạng các tế bào ung thư xuất hiện trở lại trong cơ thể người bệnh đã từng điều trị khỏi ung thư vú. Điều này xảy ra khi một phần ung thư vú ban đầu tách ra khỏi khối u, sống sót sau điều trị và ở trạng thái ẩn trong vú hoặc các cơ quan khác. Khi có điều kiện thuận lợi, các tế bào ung thư này sẽ phát triển trở lại gây tái phát ung thư.

Ung thư vú có thể tái phát tại bất kỳ thời điểm nào. Thực tế, hầu hết các ca ung thư vú tái phát được ghi nhận xảy ra trong vòng 5 năm đầu sau lần cuối điều trị. 

Các trường hợp ung thư vú tái phát bao gồm:

  • Tái phát tại chỗ: Khối u tái phát hình thành ở cùng vị trí ung thư ban đầu.
  • Tái phát khu vực xung quanh: Khối u tái phát hình thành tại các vị trí xung quanh, các hạch vùng cùng bên với khối u ban đầu.
  • Tái phát xa: Các tế bào ung thư đã di căn đến các cơ quan khác như xương, gan, phổi… tạo thành các khối u ác tính ở đây.
Ung thư vú tái phát là hiện tượng các tế bào ung thư xuất hiện trở lại trong cơ thể người bệnh đã từng bị ung thư vú 
Ung thư vú tái phát là hiện tượng các tế bào ung thư xuất hiện trở lại trong cơ thể người bệnh đã từng bị ung thư vú

2. Nguyên nhân khiến ung thư vú tái phát

Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng ung thư vú tái phát. Dưới đây là một số nguyên nhân chủ yếu:

  • Do chính tế bào ung thư: Trong quá trình điều trị ung thư vú ban đầu, một số tế bào ung thư có khả năng tự “ấn náu”, đề kháng với các phương pháp điều trị để không bị tiêu diệt. Sau một thời gian, chúng phát triển trở lại hình thành nên khối u tái phát. 
  • Do phương pháp điều trị không triệt để: Các phương pháp phổ biến áp dụng trong điều trị ung thư vú là phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, liệu pháp điều trị đích… Thực tế, không có phương pháp điều trị nào đảm bảo có thể loại bỏ 100% các tế bào ung thư ra khỏi cơ thể. Dù bệnh nhân được chỉ định phương pháp nào cũng sẽ có tỷ lệ tái phát ung thư. 
  • Yếu tố gen sinh ung thư: Một số thống kê cho thấy một người từng mắc ung thư vú ở một bên có nguy cơ tái phát ung thư vú ở bên còn lại cao hơn người bình thường.
  • Nguyên nhân khác: Đôi khi các tế bào ung thư tồn tại trong cơ thể nhiều năm nhưng không gây hại. Khi có các điều kiện thuận lợi kích hoạt, chúng sẽ nhanh chóng phát triển và xâm lấn đến các cơ quan. Hiện nay, người ta vẫn chưa hiểu rõ cơ chế của hiện tượng này.  

Bên cạnh đó, một số yếu tố sau đây cũng có thể làm tăng nguy cơ tái phát ung thư vú:

  • Người bệnh ở độ tuổi dưới 35 vào thời điểm chẩn đoán ung thư vú ban đầu.
  • Béo phì.
  • Giai đoạn ung thư muộn.
  • Ung thư vú bộ ba âm tính.
  • Ung thư vú dạng viêm.
  • Ung thư ở các hạch bạch huyết: di căn hạch tại thời điểm chẩn đoán ung thư vú ban đầu.
  • Kích thước khối u lớn.
  • Bờ rìa phẫu thuật cắt rộng khối u vẫn còn các tế bào ác tính hoặc rìa mô lành rất ít, không an toàn.
  • Thiếu xạ trị hoặc hóa trị bổ trợ sau phẫu thuật cắt rộng khối u.
  • Người bệnh không được điều trị nội tiết đối với ung thư vú dương tính với thụ thể hormone (Estrogen và Progesteron).
Ung thư vú tái phát gây ra bởi nhiều nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ
Ung thư vú tái phát gây ra bởi nhiều nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ

3. Dấu hiệu ung thư vú tái phát

Tùy từng trường hợp ung thư vú tái phát mà triệu chứng lâm sàng biểu hiện sẽ khác nhau:

– Dấu hiệu ung thư vú tái phát tại chỗ (khối u xuất hiện lại ở vị trí ung thư ban đầu): 

  • Nếu người bệnh đã trải qua phẫu thuật cắt rộng khối u, ung thư vú tái phát có thể xuất hiện ở các mô vú còn lại với một số dấu hiệu như sau: sờ thấy khối u hoặc vùng săn chắc không đều, viêm da hoặc mẩn đỏ da, tiết dịch núm vú bất thường…
  • Nếu người bệnh đã trải qua phẫu thuật đoạn nhũ, ung thư vú tái phát có thể xuất hiện trong mô thành ngực hoặc trên da vùng ngực với các dấu hiệu: có một hoặc nhiều nốt sần không đau tại vùng trên hoặc dưới da thành ngực, vùng da xung quanh dọc theo vết sẹo mổ đoạn nhũ dày lên bất thường…

– Dấu hiệu ung thư vú tái phát khu vực xung quanh (khối u tái phát ở các vị trí xung quanh, các hạch vùng cùng bên với khối u ban đầu): u cục hoặc sưng ở các hạch nách, hạch trên, hạch dưới đòn hoặc hạch vú trong lồng ngực. 

– Dấu hiệu ung thư vú tái phát xa – di căn xa (khối u tái phát xuất hiện ở các cơ quan khác ngoài vú): Tùy theo vị trí tái phát ung thư ở cơ quan nào sẽ có các triệu chứng lâm sàng đặc trưng. Một số dấu hiệu cơ bản có thể kể đến là đau dai dẳng (đau ngực, lưng, hông), ho nhiều, khó thở, ăn không ngon, đột ngột sụt cân mạnh, nhức đầu dữ dội, co giật…

Dấu hiệu tái phát ung thư vú
Dấu hiệu tái phát ung thư vú

4. Phương pháp chẩn đoán k vú tái phát

Ung thư vú tái phát được nhiều chuyên gia đánh giá là chẩn đoán khó khăn hơn so với ung thư lần đầu. Người bệnh ung thư vú sau khi được điều trị khỏi vẫn cần phải đi tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ. Do đó, trong các buổi tái khám, dựa trên các dấu hiệu lâm sàng, nếu bác sĩ nghi ngờ người bệnh có khả năng bị ung thư vú tái phát thì sẽ chỉ định thực hiện một số kỹ thuật cần thiết sau: 

  • Cận lâm sàng: Khám thực thể kết hợp với thực hiện kiểm tra trên hình ảnh thông qua một trong những phương pháp siêu âm, chụp cộng hưởng từ (MRI), chụp cắt lớp vi tính (CT), chụp X-quang tuyến vú (chụp nhũ ảnh), xạ hình xương hoặc chụp cắt lớp phản xạ (PET)…
  • Sinh thiết vú: Đây là phương pháp lấy mẫu mô nghi ngờ đem phân tích để xác định có phải ung thư vú tái phát hay không, xác định loại tế bào ác tính mức độ nào và sinh học của mô di căn…
Chẩn đoán ung thư vú tái phát có thể khó khăn hơn bình thường
Chẩn đoán ung thư vú tái phát có thể khó khăn hơn bình thường

5. Điều trị ung thư vú tái phát

Nguyên tắc điều trị ung thư vú tái phát cơ bản giống với điều trị ung thư vú lần đầu. Tuy nhiên, việc điều trị ung thư vú tái phát thường gặp nhiều khó khăn và khó đạt được hiệu quả điều trị như lần đầu. Mục tiêu điều trị ung thư vú tái phát thường không phải là chữa khỏi bệnh mà nhằm giảm các triệu chứng bệnh, nâng cao chất lượng và kéo dài tiên lượng sống cho bệnh nhân.

Cách lựa chọn phương pháp điều trị ung thư vú tái phát phụ thuộc vào nhiều yếu tố như mức độ tái phát bệnh, tình trạng thụ thể hormon, loại phương pháp đã được sử dụng vào lần đầu điều trị… Mỗi bệnh nhân cụ thể sẽ được bác sĩ xây dựng phác đồ điều trị riêng phù hợp nhất.

Các phương pháp điều trị ung thư vú tái phát được áp dụng phổ biến hiện nay bao gồm:

  • Phẫu thuật: Đây là phương pháp luôn được ưu tiên trong điều trị ung thư. Bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật cắt rộng khối u, cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ vú tùy từng trường hợp. 
  • Hóa trị: Sử dụng hóa chất để tiêu diệt, ngăn chặn sự lây lan của các tế bào ung thư. Bác sĩ có thể chỉ định hóa trị sau phẫu thuật để giảm nguy cơ tái phát bệnh.
  • Xạ trị: Sử dụng bức xạ để tiêu diệt các tế bào ung thư. Tuy nhiên, với những bệnh nhân đã dùng xạ trị trong lần điều trị trước thì thường không được chỉ định xạ trị để điều trị ung thư tái phát vì có nguy cơ cao gặp các tác dụng phụ nghiêm trọng.
  • Liệu pháp hormon: Dùng thuốc ức chế sự tăng trưởng của Estrogen và Progesteron hiệu quả cho ung thư vú tái phát dương tính với các thụ thể này.
  • Liệu pháp điều trị đích: Hiệu quả với các trường hợp ung thư vú tái phát dương tính với HER2.
Nguyên tắc điều trị ung thư vú tái phát cơ bản tương tự điều trị ung thư vú lần đầu
Nguyên tắc điều trị ung thư vú tái phát cơ bản tương tự điều trị ung thư vú lần đầu

6. Ung thư vú tái phát sống được bao lâu?

Sau khi phát hiện ung thư vú tái phát, tùy từng trường hợp tái phát tại chỗ, tái phát khu vực xung quanh hay tái phát di căn mà tiên lượng sống trên 5 năm của người bệnh sẽ khác nhau. Thực tế, thời gian sống của các bệnh nhân ung thư vú tái phát có thể kéo dài từ vài tháng cho đến nhiều năm.

Theo một nghiên cứu được công bố trên trang thông tin chính thống của The National Center for Biotechnology Information (Mỹ), sau khi tái phát xa, bệnh nhân ung thư vú thường có tiên lượng xấu. Họ có nhiều khả năng tử vong trong vòng 3 năm, chỉ có ít hơn 5% bệnh nhân sống được thêm 10 năm hoặc hơn. 

Thời gian sống của bệnh nhân ung thư vú tái phát phụ thuộc nhiều yếu tố
Thời gian sống của bệnh nhân ung thư vú tái phát phụ thuộc nhiều yếu tố

7. Làm sao để phòng ngừa ung thư vú tái phát?

Ung thư vú tái phát là một căn bệnh nguy hiểm gây tỷ lệ tử vong cao ở nữ giới. Do đó, bản thân mỗi bệnh nhân nên tự biết cách bảo vệ sức khỏe của bản thân.

Dưới đây là một số biện pháp phòng ngừa ung thư vú tái phát mà người bệnh không nên bỏ qua: 

  • Khám và tầm soát định kỳ: Sau khi điều trị xong ung thư vú lần đầu, bệnh nhân cần tuân thủ đi tái khám theo đúng lịch hẹn của bác sĩ để theo dõi, thăm khám tình trạng sức khỏe. Nếu có dấu hiệu bất thường có thể nhanh chóng phát hiện và điều trị kịp thời.
  • Tăng cường vận động: Luyện tập thể dục thường xuyên có thể làm giảm nguy cơ ung thư tái phát. Đồng thời, nó còn giúp tăng cường sức khỏe, giảm căng thẳng, nâng cao tinh thần cho người bệnh.
  • Chế độ ăn uống lành mạnh: Có thể giúp giảm nguy cơ tái phát ung thư.  Người bệnh nên thêm vào thực đơn các loại rau xanh, trái cây, ngũ cốc… Hạn chế tối đa việc sử dụng các loại đồ ăn nhanh, đồ ăn sẵn, đồ ăn không đảm bảo vệ sinh…
  • Hạn chế thuốc lá, rượu bia: Đây đều là các chất gây hại đến sức khỏe con người. Người bệnh ung thư vú sau khi trải qua quá trình điều trị sức đề kháng cũng sẽ không còn được như trước. Do đó, nếu người bệnh vẫn thường xuyên uống bia rượu, hút thuốc lá sẽ làm nặng thêm tình trạng bệnh.
  • Duy trì cân nặng ổn định, tránh béo phì: Béo phì là một trong những yếu tố nguy cơ làm tăng tái phát ung thư. Vậy nên, thực hiện duy trì cân nặng ổn định sẽ giúp giảm nguy cơ ung thư tái phát.
Chế độ ăn uống lành mạnh giúp giảm nguy cơ tái phát ung thư vú
Chế độ ăn uống lành mạnh giúp giảm nguy cơ tái phát ung thư vú

Trên đây là toàn bộ thông tin tổng quan chi tiết về tình trạng ung thư vú tái phát. Người bệnh hãy chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa để bảo vệ sức khỏe, tránh tái phát ung thư. Nếu bạn muốn tìm hiểu thêm, liên hệ ngay với Chuyên gia qua hotline 18006527 để được tư vấn chi tiết nhé!

5/5 - (1 bình chọn)
Theo dõi
Thông báo của

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận