Chi tiết các cách điều trị ung thư tuyến giáp cho từng giai đoạn
Ung thư tuyến giáp tuy chỉ chiếm 1-2% trong các bệnh ung thư nhưng lại là bệnh lý ung thư hàng đầu của các tuyến nội tiết. Vậy loại ung thư này có chữa được không? Những phương pháp nào được sử dụng để điều trị ung thư tuyến giáp? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé!

1. Ung thư tuyến giáp có chữa được không?
Đáp án cho câu hỏi “Ung thư tuyến giáp có chữa được không?” là Có thể, nhưng còn tùy thuộc vào loại ung thư tuyến giáp mắc phải và giai đoạn phát hiện bệnh.
Ung thư tuyến giáp được chia làm 4 thể gồm:
- Ung thư tuyến giáp thể biệt hoá: gồm ung thư tuyến giáp thể nhú, ung thư tuyến giáp thể nang
- Ung thư tuyến giáp thể tuỷ
- Ung thư tuyến giáp thể không biệt hoá.
Trong đó, ung thư tuyến giáp biệt hoá là phổ biến nhất, chiếm tới hơn 90% các ca bệnh. Loại ung thư này có tiên lượng sống rất tốt. Nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm thì có thể chữa khỏi hoàn toàn với tỷ lệ sống sót sau 5 năm lên tới 100%. Kể cả khi phát hiện ở giai đoạn muộn, ung thư đã di căn thì vẫn có thể kiểm soát và kéo dài thời gian sống cho người bệnh. Tiên lượng sống sau 5 năm ở giai đoạn xa là 63-75%.
Tuy nhiên đối với thể không biết hoá, mặc dù chỉ chiếm 1% các ca bệnh nhưng lại đặc biệt nguy hiểm bởi bệnh diễn biến nhanh chóng. Đa phần các trường hợp phát hiện mắc bệnh thì đã ở giai đoạn cuối. Tiên lượng sống sót sau 5 năm của thể này chỉ đạt 7%.
Nhìn chung, ung thư tuyến giáp vẫn là bệnh có tiên lượng rất tốt và được xếp vào danh sách “7 loại ung thư có khả năng chữa khỏi“
2. Nguyên tắc điều trị ung thư tuyến giáp
Chỉ định phác đồ điều trị cho bệnh nhân cần căn cứ vào nhiều yếu tố như loại ung thư tuyến giáp, giai đoạn bệnh, thể trạng của người bệnh,… Trong đó:
- Phẫu thuật giữ vai trò chủ đạo trong điều trị k tuyến giáp
- Xạ trị I-131 đóng vai trò hỗ bổ trợ cho nhóm bệnh nhân ung thư tuyến giáp thể biệt hoá
- Liệu pháp hormone giúp kiểm soát bệnh
- Xạ trị tia ngoài được chỉ định cho nhóm bệnh nhân ung thư không biệt hoá và loại biệt hoá nhưng ở giai đoạn không thể phẫu thuật được.
- Hoá trị và điều trị đích áp dụng cho bệnh ở giai đoạn muộn và ít hiệu quả với các phương pháp khác.
3. Các phương pháp điều trị ung thư tuyến giáp
Dưới đây là các phương pháp thường được chỉ định trong điều trị ung thư tuyến giáp:
3.1. Phẫu thuật ung thư tuyến giáp
Phẫu thuật là phương pháp điều trị ung thư tuyến giáp phổ biến nhất hiện nay nhằm loại bỏ một phần hoặc toàn bộ tuyến giáp có chứa khối u. Tuỳ từng trường hợp cụ thể mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp mổ ung thư tuyến giáp phù hợp. Cụ thể như sau:
Ung thư tuyến giáp thể biệt hóa:
- Phẫu thuật cắt thùy tuyến giáp: Chỉ định cho các trường hợp khối u có kích thước nhỏ hơn 4cm, chưa xâm lấn vỏ bao, chưa có di căn hạch cổ.
- Phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến giáp: Được chỉ định cho các trường hợp bao gồm u kích thước lớn hơn 4 cm, đã từng điều trị bằng tia xạ vùng cổ, u đa ổ; di căn hạch cổ hoặc/và di căn xa; ung thư tuyến giáp tái phát.
- Vét hạch cổ chọn lọc: được chỉ định đối với trường hợp hạch nhỏ, chưa xâm lấn, hạch < 3 cm (chưa phá vỡ vỏ).
Ung thư tuyến giáp thể không biệt hóa:
- Cắt giáp toàn bộ tuyến giáp, vét hạch cổ triệt căn: Chỉ định trong trường hợp bệnh nhân còn khả năng phẫu thuật điều trị.
- Mở khí quản hoặc mở thông dạ dày sau đó hóa trị hoặc xạ trị: thực hiện với các trường hợp không còn khả năng phẫu thuật điều trị.

3.2. Xạ trị ung thư tuyến giáp
Có 2 phương pháp xạ trị ung thư tuyến giáp là xạ trị ngoài và xạ trị I-131
3.2.1. Xạ trị ngoài
Phương pháp này sử dụng tia chiếu xạ vào khối u. Được chỉ định trong điều trị bổ trợ cho ung thư tuyến giáp thể không biệt hóa và thể tủy. Sau xạ trị có thể có một số phản ứng phụ như mệt mỏi, suy nhược, đau khi nuốt, miệng khô,… Tuy nhiên, các triệu chứng này sẽ biến mất sau vài tuần điều trị.

3.2.2. Điều trị bằng iod phóng xạ (I-131)
Điều trị bằng i ốt phóng xạ hay xạ trị I-131 được chỉ định cho người bệnh sau khi phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến giáp và có nguy cơ tái phát cao.
I-131 là chất phóng xạ nên có thể ảnh hưởng tới người và môi trường xung quanh. Vì vậy, trong quá trình điều trị, người bệnh cần nằm viện và cách ly trong phòng riêng. Sau khi liều bức xạ giảm xuống, người bệnh có thể tiếp xúc bình thường với người xung quanh và được xuất viện.
So với phương pháp xạ trị thông thường thì Xạ trị I-131 có ít tác dụng phụ hơn bởi I-131 chỉ có tác dụng với các tế bào tuyến giáp và tế bào ung thư tuyến giáp.
Một số tác dụng phụ thường gặp khi điều trị bằng i ốt phóng xạ gồm đau cổ hoặc sưng tấy, mệt mỏi, khô miệng, miệng có vị khó chịu.
3.3. Điều trị bằng nội tiết
Liệu pháp hormone là phương pháp điều trị thay thế hoặc bổ sung các hormon tuyến giáp. Các thuốc điều trị hormone được sử dụng nhằm mục đích:
- Thay thế hormone tuyến giáp sau phẫu thuật: Khi tuyến giáp bị cắt bỏ hoàn toàn, người bệnh cần sử dụng thuốc hormone suốt phần đời còn lại. Tuy nhiên các hormone này tương tự với hormone tự nhiên của cơ thể, vì vậy nó sẽ không có bất kỳ tác dụng phụ nào.
- Ức chế sự phát triển của tế bào ung thư tuyến giáp: liệu pháp hormone tuyến giáp liều cao có thể ức chế sự phát triển của tế bào ung thư, hạn chế nguy cơ tái phát.

3.4. Hoá trị
Hoá trị ung thư thường được chỉ định với các trường hợp u tuyến giáp không biệt hóa đã di căn xa. Hóa trị giai đoạn này tuy không thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng có thể giúp kiểm soát các triệu chứng và biến chứng do di căn xa.
3.5. Liệu pháp nhắm trúng đích
Liệu pháp trúng đích hay điều trị đích trong ung thư sử dụng các loại thuốc mới như lenvatinib và sorafenib “tấn công” chọn lọc đến các tế bào ung thư mà không gây hại cho các tế bào khỏe mạnh.
Liệu pháp nhắm trúng đích có thể được áp dụng trong điều trị các trường hợp ung thư tuyến giáp đã di căn đến các bộ phận khác của cơ thể và không đáp ứng với điều trị bằng i-ốt phóng xạ.

4. Điều trị ung thư tuyến giáp theo từng thể và giai đoạn
Mỗi thể và giai đoạn của bệnh ung thư tuyến giáp đều có các phác đồ điều trị riêng cho từng trường trường hợp.
4.1. Ung thư tuyến giáp thể biệt hoá

Ung thư tuyến giáp thể biệt hoá được chia làm 4 giai đoạn. Trong đó, những người trẻ tuổi (dưới 55 tuổi) mắc thể ung thư này có tiên lượng rất tốt và tỷ lệ tử vong thấp nên chỉ được xếp vào giai đoạn 1 và 2. Chỉ định điều trị ở mỗi giai đoạn bệnh có sự khác nhau:
Đối với giai đoạn sớm (giai đoạn 1 và 2): Phẫu thuật là lựa chọn chính để loại bỏ một phần hoặc toàn bộ tuyến giáp có chứa khối u ác tính ra khỏi cơ thể. Sau phẫu thuật, bệnh nhân có thể được điều trị bằng xạ trị I-131 để ngăn ngừa ung thư tái phát. Bổ sung hormone tuyến giáp có thể bị trì hoãn tới khi kết thúc điều trị bằng i ốt phóng xạ.
Giai đoạn tiến triển (giai đoạn 3 và 4): Điều trị bằng i ốt phóng xạ là chủ đạo. Ở các khu vực di căn xa, nếu không đáp ứng với xạ trị I-131 thì bênh nhân sẽ được chỉ định phương pháp điều trị khác như xạ trị tia ngoài, điều trị đích, hoặc hoá trị.
Ung thư tái phát: Ung thư tái phát có thể được phát hiện bằng chẩn đoán hình ảnh như siêu âm hoặc quét i ốt,… Việc điều trị sẽ phụ thuộc chủ yếu vào vị trí ung thư tái phát.
- Nếu ung thư tái phát ở cổ mà có thể cắt bỏ được thì phẫu thuật sẽ được chỉ định. Nếu ung thư xuất hiện khi quét i ốt phóng xạ thì xạ trị I-131 có thể được chỉ định. Nếu ung thư không xuất hiện khi quét i ốt phóng xạ nhưng được phát hiện bằng phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác như MRI hoặc PET thì có thể sử dụng phương pháp xạ trị ngoài.
- Nếu ung thư tái phát ở các cơ quan xa mà điều trị bằng i ốt phóng xạ không hiệu quả thì điều trị đích và hoá trị sẽ được ưu tiên sử dụng.
4.2. Ung thư tuyến giáp thể tuỷ
Trong điều trị ung thư tuyến giáp thể tuỷ, xạ trị I-131 thường không được chỉ định bởi các tế bào ung thư thể tuỷ không hấp thụ tốt i ốt. Các lựa chọn điều trị cho mỗi giai đoạn của K tuyến giáp thể tuỷ cụ thể như sau:
Giai đoạn 1 và 2: Phẫu thuật triệt căn vẫn là phương pháp điều trị chủ đạo bởi giai đoạn này khối u có kích thước nhỏ và vẫn còn khu trú tại tuyến giáp. Vì tuyến giáp được cắt bỏ nên người bệnh cần điều trị bằng hormone tuyến giáp sau phẫu thuật. Đối với ung thư tuyến giáp thể tuỷ, liệu pháp hormone chỉ nhằm mục đích bổ sung hormone tuyến giáp để cơ thể bệnh nhân khoẻ mạnh và duy trì các hoạt động bình thường chứ không thể làm giảm nguy cơ ung thư tái phát.
Giai đoạn 3 và 4: Phẫu thuật cũng thường được chỉ đinh trong giai đoạn này sau khi đã sàng lọc hội chứng MEN 2 và u tuỷ thượng thận. Sau phẫu thuật, tiến hành điều trị bằng hormone tuyến giáp.
- Trường hợp khối u di căn và xâm lấn nhiều mô lân cận hoặc không thể loại bỏ hoàn toàn bằng phẫu thuật, xạ trị tia ngoài có thể được chỉ định sau phẫu thuật để giảm nguy cơ tái phát.
- Đối với những bệnh nhân ung thư di căn xa mà phẫu thuật và xạ trị không mang lại hiệu quả, bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng các thuốc nhắm trúng đích như vandetanib (Caprelsa) hoặc cabozantinib (Cometriq). Những loại thuốc này thường mang lại hiệu quả điều trị cao, đặc biệt là trong trường hợp tế bào ung thư có những sự thay đổi ở một số gen nhất định như gen RET. Ngoài ra, hoá trị cũng là một lựa chọn khả thi.
Ung thư tái phát: Nếu ung thư tái phát ở cổ hoặc nơi khác, bác sĩ có thể chỉ định các phương pháp điều trị như phẫu thuật, xạ trị ngoài, thuốc điều trị nhắm mục tiêu hoặc hóa trị.
4.3. Ung thư tuyến giáp thể không biệt hoá
Tất cả các bệnh nhân ung thư tuyến giáp thể không biệt hóa đều được xếp vào giai đoạn IV bởi khi được chẩn đoán bệnh đã di căn. Vì tiến triển rất nhanh nên không có phác đồ điều trị chuẩn cho loại ung thư này. Tuỳ thuộc vào từng trường hợp cụ thể mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp:
- Phẫu thuật thường không mang lại hiệu quả. Tuy nhiên, trong một số trường hợp rất hiếm gặp, ung thư chỉ giới hạn ở khu vực lân cận tuyến giáp thì phẫu thuật có thể được chỉ định để loại bỏ toàn bộ tuyến giáp và các hạch bạch huyết lân cận. Mục tiêu của phẫu thuật là loại bỏ càng nhiều khối u vùng cổ càng tốt. Mặc dù vậy thì điều này cũng là rất khó khăn bởi tốc độ lây lan của loại ung thư này là rất mạnh mẽ.
- Điều trị bằng i ốt phóng xạ cũng không được sử dụng bởi nó không có tác dụng đối với bệnh ung thư này.
- Nếu ung thư đã lan rộng, các phương pháp điều trị toàn thân như hoá trị hoặc điều trị đích sẽ được chỉ định cho bệnh nhân. Trong đó, điều trị đích thường hiệu quả với các trường hợp ung thư có liên quan tới thay đổi gen. Các thuốc nhắm trúng đích thường được sử dụng bao gồm dabrafenib, trametinib, selpercatinib,…
- Nếu khối u chèn ép đường thở thì bác sĩ sẽ đặt nội khí quản để người bệnh dễ thở hơn.

5. Chi phí điều trị ung thư tuyến giáp
Chi phí điều trị ung thư tuyến giáp hết bao nhiêu là vấn đề được rất nhiều bệnh nhân quan tâm. Thực tế, rất khó để có câu trả lời chính xác bởi chi phí điều trị phụ thuộc vào nhiều yếu tố như nơi điều trị, phương pháp điều trị, giai đoạn bệnh, khả năng đáp ứng với điều trị, thể trạng người bệnh,… Do đó, chi phí điều trị của mỗi bệnh nhân có thể khác nhau.
Để biết chính xác về chi phí điều trị, bệnh nhân nên trao đổi với bác sĩ để được tư vấn cụ thể cho trường hợp của mình.