Những điều cần biết về ung thư thực quản di căn

 72 lượt xem

Ung thư thực quản di căn là giai đoạn mà tế bào ung thư đã lây lan ra các bộ phận khác trong cơ thể. Vậy ung thư thực quản di căn khi nào? Dấu hiệu nhận biết và cách điều trị ra sao? Làm thế nào để quá trình di căn của tế bào ung thư. Tất cả những thắc mắc này sẽ được giải đáp trong bài viết dưới đây, mời bạn cùng theo dõi. 

Ung thư thực quản di căn có nguy hiểm không?
Ung thư thực quản di căn có nguy hiểm không?

1. Ung thư thực quản di căn là gì?

Ung thư thực quản di căn là giai đoạn mà tế bào ung thư phát triển mạnh mẽ và vượt ra khỏi phạm vi thực quản và lây lan sang các vị trí khác trong cơ thể. Tình trạng di căn bắt đầu xảy ra từ ung thư thực quản giai đoan 3.

Có hai con đường quan trọng mà ung thư thực quản chọn lựa để di căn:

  • Xâm lấn trực tiếp các mô lân cận: Khối u ác tính có khả năng xâm nhập trực tiếp vào các mô lân cận do không có lớp thanh mạc để ngăn chặn sự lây lan. Điều này khiến cho khối u có thể tấn công các vị trí gần kề một cách dễ dàng.
  • Di chuyển theo hệ tuần hoàn và hệ thống bạch huyết: Tế bào ung thư có thể tách ra khỏi khối u ban đầu tại thực quản và sau đó đi vào hệ tuần hoàn hoặc hệ thống bạch huyết. Từ đó, chúng di chuyển đến các cơ quan và bộ phận khác trong cơ thể và hình thành lên khối u tại đây.
Tế bào ung thư thực quản đi vào máu và di căn tới các cơ quan khác
Tế bào ung thư thực quản đi vào máu và di căn tới các cơ quan khác

2. Ung thư thực quản di căn tới những cơ quan nào?

Tế bào ung thư thực quản có khả năng di căn tới nhiều vị trí khác nhau nhưng không phải ở đâu chúng cũng có thể tồn tại được. Ở những bệnh nhân khác nhau cũng có sự khác nhau về vị trí ung thư di căn.

Một số vị trí phổ biến mà ung thư thực quản thường di căn tới bao gồm:

  • Ung thư thực quản di căn phổi: Chiếm tới 31% các trường hợp ung thư thực quản di căn. Nguyên nhân là bởi, phổi với hệ thống mạch máu phong phú là nơi mà tế bào ung thư dễ dàng xâm nhập và phát triển.
  • Ung thư thực quản di căn gan: Gan cùng với phổi là điểm đến mà ung thư thực quản thường di căn nhiều nhất. Do hệ thống mạch máu dày đặc và tốc độ máu chảy chậm, tế bào ung thư có thể di chuyển qua hệ tuần hoàn để hình thành khối u ở gan. Di căn gan chiếm 23% các trường hợp.
  • Ung thư thực quản di căn não: Di căn lên não thường ít gặp, nhưng khi xảy ra, tiên lượng sống của bệnh nhân rất thấp. Các khối u ác tính lây lan nhanh chóng và ảnh hưởng đến các chức năng của cơ thể.
  • Ung thư thực quản di căn xương: Tế bào ung thư thường di căn tới xương muộn, làm cho tỷ lệ phát hiện thấp. Nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ di căn tới xương dao động từ 5,2-7,7% ở mọi giai đoạn và 15,3–23,6% ở bệnh nhân có di căn xa.
  • Ung thư thực quản di căn hạch: Hệ thống hạch bạch huyết là điểm đến phổ biến tiếp theo của tế bào ung thư. Vị trí cụ thể của các hạch bạch huyết mà tế bào ung thư di căn tới phụ thuộc vào loại ung thư và vị trí ban đầu của khối u ác tính. Hạch trung thất, hạch cổ và hạch ở bụng thường là những địa điểm thường gặp.

3. Triệu chứng của ung thư thực quản di căn

Ở bệnh nhân mắc phải ung thư thực quản di căn, các dấu hiệu không chỉ giới hạn ở khu vực thực quản mà còn xuất hiện ở các cơ quan mà khối u đã lan tới. Các triệu chứng thường gặp bao gồm:

  • Mệt mỏi và suy nhược cơ thể: Bệnh nhân thường cảm tháy mệt mỏi và suy nhược. Trong thời gian ngắn, người bệnh bị sụt cân nghiêm trọng.
  • Nuốt đau và nuốt nghẹn: Đây là triệu chứng phổ biến nhất ở giai đoạn cuối. Nguyên nhân là do khối u ngày càng phát triển làm chít hẹp lòng thực quản, gây đau khi nuốt và làm thức ăn bị mắc lại, thậm chí dẫn đến tình trạng nôn mửa.
  • Đau tức vùng ngực: Đau tức thường xuyên và kéo dài do khối u có kích thước lớn chèn ép thực quản. Thức ăn không đi xuống được dạ dày, gây tức ngực kéo dài.
  • Khàn tiếng kéo dài: Do tế bào ung thư xâm lấn và gây tổn thương dây thanh quản, có thể dẫn đến việc mất giọng.

Các triệu chứng khác liên quan đến khối u thực quản:

  • Ung thư thực quản di căn xuống dạ dày: Buồn nôn, nôn, ợ nóng, khó tiêu, đau rát họng, ho kéo dài, ho ra máu,…
  • Khối u lan ra phổi: gây ra tình trạng ho kéo dài, ho ra máu, khó thở, đau tức ngực,…
  • Khối u lan đến gan: gây vàng da, vàng mắt, phân bạch màu, đau tức hạ sườn phải,…
  • Khối u lây lan lên não: gây tổn thương dây thần kinh, đau đầu dữ dội, chóng mặt, mờ mắt hay mất thị lực, buồn nôn, nôn ói, suy giảm trí nhớ,…
  • Khối u di căn tới xương: gây đau nhức xương, loãng xương, thậm chí là gãy xương.
  • Khối u di căn tới hạch bạch huyết: thường gặp nhất là ung thư thực quản di căn hạch cổ gây sưng to, đau đớn và nhiễm trùng.
Khối u ở phổi gây khó thở, đau tức ngực
Khối u ở phổi gây khó thở, đau tức ngực

4. Điều trị ung thư thực quản di căn

Khi bệnh nhân bước vào giai đoạn di căn, tế bào ung thư đã lây lan ra khắp cơ thể, làm cho việc loại bỏ chúng trở nên không khả thi. Mục tiêu điều trị ở giai đoạn này là kiểm soát sự lây lan của tế bào ung thư, cải thiện chất lượng cuộc sống và kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân. Quá trình điều trị được bác sĩ lên kế hoạch dựa trên tình trạng sức khỏe, các bệnh lý đi kèm, và độ tuổi của bệnh nhân,…

  • Phẫu thuật hiếm khi được áp dụng trong giai đoạn này do khối u đã lan ra các cơ quan khác trong cơ thể. Thay vào đó, các liệu pháp toàn thân thường được ưu tiên sử dụng. Các phương pháp điều trị phổ biến cho ung thư thực quản di căn bao gồm:
  • Hóa trị ung thư:  Sử dụng các loại thuốc hóa chất để tiêu diệt tế bào ung thư và làm giảm kích thước khối u. Thường kết hợp với liệu pháp khác như miễn dịch, nhắm trúng đích và xạ trị để tăng hiệu quả.
  • Xạ trị ung thư: Sử dụng năng lượng cao để phá hủy tế bào ung thư và giảm kích thước khối u. Có thể áp dụng xạ trị đơn lẻ hoặc kết hợp với hóa trị tùy thuộc vào tình trạng của bệnh nhân.
  • Liệu pháp miễn dịch: Sử dụng phương pháp sinh học để kích thích hệ miễn dịch chống lại tế bào ung thư. Pembrolizumab thường được chọn làm lựa chọn cho điều trị ung thư thực quản di căn.
  • Điều trị triệu chứng: Bác sĩ sẽ chỉ định các loại thuốc hoặc phương pháp phù hợp để giảm đau, khó chịu cho bệnh nhân. Các biện pháp như đặt stent thực quản cũng có thể được thực hiện để hỗ trợ quá trình ăn uống của bệnh nhân.
Hoá trị là phương pháp chính được chỉ định để điều trị ung thư thực quản di căn
Hoá trị là phương pháp chính được chỉ định để điều trị ung thư thực quản di căn

5. Ung thư thực quản di căn sống được bao lâu?

Khi người bệnh nhận thông chẩn đoán về việc ung thư thực quản đã di căn, đồng nghĩa với việc họ đã ở giai đoạn cuối của bệnh. Tại thời điểm này, tiên lượng sống của bệnh nhân là rất thấp.

Các bệnh nhân mắc ung thư thực quản di căn có thể sống được vài tháng hoặc trong một số trường hợp hiếm có thể sống thêm được vài năm. Thời gian sống của mỗi người bệnh đều không giống nhau, phụ thuộc vào nhiều yếu tố như vị trí di căn, tình trạng sức khỏe, bệnh lý liên quan, cũng như khả năng đáp ứng với các phương pháp điều trị,…

Theo thống kê, chỉ có khoảng 5% bệnh nhân ung thư thực quản di căn sống sót được sau 5 năm. 

6. Chăm sóc bệnh nhân ung thư tuyến giáp di căn

Ung thư thực quản di căn mặc dù không thể chữa khỏi nhưng vẫn có nhiều biện pháp hỗ trợ để cải thiện chất lượng cuộc sống và  tăng tuổi thọ cho bệnh nhân. Dưới đây là một số lưu ý trong quá trình chăm sóc:

Giúp bệnh nhân cảm thấy thoải mái hơn:

  • Thay đổi tư thế thường xuyên, như ngồi ở tư thế ngẩng cao đầu để hỗ trợ thở.
  • Giảm đau bằng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ và kết hợp với các phương pháp như ngâm bằng nước ấm, mát xa cơ thể, châm cứu.

Xây dựng chế độ ăn uống hợp lý, khoa học:

  • Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cho người bệnh. 
  • Cho người bệnh ăn thức ăn ở dạng lỏng, chia nhỏ bữa, tránh thức ăn cứng và khó tiêu.

Chăm sóc về tinh thần:

  • Người nhà, bạn bè cần luôn ở bên cạnh để động viên, trò chuyện, chia sẻ với người bệnh. 
  • Khuyến khích người bệnh làm những điều họ thích để tạo cảm giác thư giãn, thoải mái. 

Xem thêm: Cách an ủi và động viên bệnh nhân ung thư

Hi vọng những thông tin hữu ích có trong bài viết trên sẽ giúp bạn hiểu hơn về ung thư thực quản di căn. Nếu bạn muốn tìm hiểu thêm về bệnh ung thư thực quản hoặc các bệnh ung thư khác, hãy gọi ngay đến số máy miễn cước 1800 6527 để được tư vấn ngay nhé!

5/5 - (1 bình chọn)
Theo dõi
Thông báo của

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận