Triệu chứng và cách điều trị Ung thư thực quản giai đoạn 3
Ung thư thực quản giai đoạn 3 là thời điểm khối u phát triển mạnh mẽ về kích thước và bắt đầu lan rộng tới các khu vực lân cận, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người bệnh. Hãy cùng tìm hiểu chi tiết hơn về đặc điểm của giai đoạn này trong bài viết dưới đây.

1. Ung thư thực quản giai đoạn 3 là gì?
Ung thư thực quản được phân loại thành 4 giai đoạn dựa trên sự tiến triển của bệnh, và giai đoạn 3 đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong quá trình này. Ở giai đoạn này, khối u không chỉ đã lan ra khỏi thực quản mà còn xâm lấn vào các khu vực lân cận và hạch bạch huyết gần đó, tuy nhiên, chưa di căn tới các vị trí xa.
Giai đoạn 3 lại được chia thành hai phần nhỏ để mô tả rõ hơn về tình trạng của bệnh nhân:
- Giai đoạn IIIA: Khối u xâm lấn vào lớp đệm, lớp cơ niêm mạc, và lớp dưới niêm mạc. Tế bào ung thư cũng đã di căn tới các hạch bạch huyết gần đó, nhưng số lượng không vượt quá 6 hạch.
- Giai đoạn IIIB: Tại giai đoạn này, khối u đã lan ra lớp cơ dày hoặc lớp ngoài thực quản, xâm lấn vào các mô cơ lân cận như màng phổi, màng ngoài tim, hoặc cơ hoành. Tế bào ung thư đã di căn tới 6 hạch bạch huyết lân cận, nhưng vẫn chưa đạt tới các vị trí xa.
2. Triệu chứng của ung thư thực quản giai đoạn 3
Bước vào giai đoạn 3, bệnh nhân thường phải đối mặt với những triệu chứng mạnh mẽ hơn, đặc biệt là khi so sánh với giai đoạn trước đó. Đa phần người bệnh mới phát hiện mình mắc ung thư thực quản ở giai đoạn này. Những biểu hiện phổ biến của ung thư thực quản giai đoạn 3 bao gồm:
- Nuốt khó và đau khi nuốt: Đây là triệu chứng phổ biến và rõ ràng nhất của ung thư thực quản. Bệnh nhân thường cảm thấy nghẹn và đau khi nuốt, thậm chí là khi nuốt nước bọt hoặc uống nước.
- Tăng tiết nước bọt: Bệnh nhân thường xuyên phải đối mặt với tình trạng chảy nước bọt, kèm theo hơi thở có mùi khó chịu, ợ hơi, nôn, và buồn nôn.
- Mệt mỏi và chán ăn: Đau đớn khi nuốt có thể dẫn đến việc bệnh nhân gặp khó khăn khi ăn uống, dẫn đến sụt cân nghiêm trọng và tình trạng mệt mỏi.
- Ngoài ra, các triệu chứng khác bao gồm ho nhiều, có thể kèm theo ra máu, đau tức ngực, khàn tiếng,…

3. Ung thư thực quản giai đoạn 3 có chữa được không?
Ở giai đoạn này, khi tế bào ung thư đã lan rộng, khả năng chữa trị trở nên thấp. Mục tiêu điều trị chính ở giai đoạn này không phải là chữa khỏi hoàn toàn, mà là kiểm soát sự phát triển của ung thư và giảm nhẹ triệu chứng. Điều này giúp kéo dài thời gian sống và cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân
4. Điều trị ung thư thực quản giai đoan 3
Giai đoạn 3 của ung thư thực quản được xem là giai đoạn muộn, khi khối u đã lan ra ngoài thực quản và phương pháp phẫu thuật trở nên ít hiệu quả. Đối mặt với tình trạng này, các phương pháp điều trị thường được áp dụng bao gồm hóa trị, xạ trị, liệu pháp miễn dịch và phương pháp điều trị đích.
Trong số đó, hóa trị kết hợp với xạ trị thường được coi là phương pháp chuẩn trong giai đoạn này. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc sử dụng kết hợp hóa xạ trị có thể cải thiện khả năng sống sót, với khoảng 20-30% bệnh nhân kéo dài thời gian sống từ 3-5 năm nếu phản ứng tốt với phương pháp điều trị này.
Hóa trị ung thư
Hóa trị là phương pháp sử dụng thuốc để tiêu diệt tế bào ung thư, thường thông qua đường uống hoặc truyền tĩnh mạch. Thông thường, hóa trị kết hợp với xạ trị để tăng hiệu quả. Các phác đồ hóa trị thường được áp dụng như paclitaxel – carboplatin, taxane – cisplatin, 5-FU – oxaliplatin, capecitabin – oxaliplatin, 5-FU – cisplatin, capecitabin – cisplatin.
Các tác dụng phụ mà bệnh nhân có thể gặp khi sử dụng phương pháp hóa trị bao gồm mệt mỏi, rụng tóc, rối loạn tiêu hóa, nôn, buồn nôn và nhiều vấn đề khác. Quản lý những tác dụng phụ này cũng là một phần quan trọng của quá trình điều trị.
Xạ trị ung thư
Phương pháp xạ trị là một phương pháp phổ biến được áp dụng trong việc điều trị ung thư thực quản giai đoạn 3, đặc biệt là xạ trị bên ngoài, hay còn được gọi là xạ trị chiếu ngoài. Trong phương pháp này, các chùm tia phóng xạ được tạo từ bên ngoài cơ thể bệnh nhân, được chiếu trực tiếp vào khu vực có khối u nguyên phát, hạch di căn, hoặc các vùng lân cận mà tế bào ung thư có thể đã di căn tới.
Thường thì, xạ trị được kết hợp đồng thời với hóa trị để tăng cường hiệu quả điều trị. Liều lượng xạ trị thường được quy định trong phác đồ hóa xạ trị kết hợp là khoảng 54Gy, được chia thành các phân liều là 2Gy mỗi ngày hoặc 50,4Gy với phân liều 1,8Gy mỗi ngày. Nếu cần, liều xạ trị có thể được tăng lên đến 60Gy tại vùng có khối u.
Tác dụng phụ của xạ trị bao gồm đau nhức trong miệng hoặc cổ họng, khô miệng, khó nuốt, đau tai, và một số vấn đề khác. Quản lý cẩn thận những tác dụng phụ này là quan trọng để giảm đau và khó chịu cho bệnh nhân trong quá trình điều trị.
Liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư
Liệu pháp miễn dịch là phương pháp điều trị ung thư sử dụng các thuốc nhằm kích thích hệ thống miễn dịch của cơ thể, giúp nó nhận biết và tiêu diệt tế bào ung thư.
Trong trường hợp ung thư thực quản giai đoạn 3, một số thuốc được sử dụng trong liệu pháp miễn dịch bao gồm Pembrolizumab và Nivolumab. Các thuốc này được thiết kế để tăng cường khả năng của cơ thể chống lại tế bào ung thư.
Điều trị bằng liệu pháp miễn dịch thường ít gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng. Các phản ứng phụ phổ biến nhất mà bệnh nhân có thể gặp khi thực hiện liệu pháp miễn dịch là các phản ứng tại vùng da tiêm, như ngứa, sưng đỏ, hoặc phát ban. Tuy nhiên, những tác dụng không mong muốn này thường là nhẹ và có thể quản lý được.

Liệu pháp nhắm trúng đích
Trong điều trị ung thư thực quản, phương pháp nhắm trúng đích có thể là lựa chọn hiệu quả trong một số trường hợp cụ thể:
- Ung thư liên quan tới gen: Khi tế bào ung thư có những thay đổi gen đặc biệt, bác sĩ có thể quyết định sử dụng thuốc nhắm trúng đích như Larotrectinib hoặc Entrectinib để tiêu diệt những tế bào này
- Ung thư tại vị trí ngã ba thực quản-dạ dày: Trong trường hợp ung thư xuất phát từ vị trí ngã ba giữa dạ dày và thực quản, liệu pháp nhắm trúng đích có thể bao gồm việc sử dụng Ramucirumab kết hợp với thuốc hóa trị, giúp tăng cường hiệu quả điều trị.
- Tế bào ung thư dương tính với HER2: Nếu tế bào ung thư thực quản được xác định là dương tính với HER2, liệu pháp nhắm trúng đích có thể được áp dụng. Trastuzumab, một loại thuốc nhắm trúng đích, có thể được kết hợp với thuốc hóa trị để tối ưu hóa kết quả điều trị.
Xem thêm: Những điều cần biết về ung thư thực quản di căn
5. Ung thư thực quản giai đoan 3 sống được bao lâu?
Giai đoạn 3 của ung thư thực quản thường được coi là giai đoạn muộn và có tiên lượng sống khá thấp do sự lan rộng của khối u. Thông thường, chỉ có khoảng 10-15% bệnh nhân sống sót sau 5 năm. Tuy nhiên, tiên lượng này chỉ là một thống kê tương đối và không áp dụng đồng đều cho mọi người.
Vì vậy, người bệnh cũng không nên suy nghĩ tiêu cực. Nghiêm túc áp dụng liệu pháp 6T là biện pháp hữu hiệu giúp tăng cường nâng cao thể trạng, tăng cường hệ miễn dịch, từ đó giúp cải thiện được thời gian sống.