Lá ổi chữa ung thư đại tràng có đúng như lời đồn?
Lá ổi từ lâu đã được coi là một trong những dược liệu tốt cho đường tiêu hóa. Nhiều người tin rằng lá ổi có thể chữa được ung thư đại tràng. Vậy, sự thật lá ổi chữa ung thư đại tràng có đúng như lời đồn? Tìm hiểu ngay trong bài viết dưới đây!
1. Lá ổi là gì?
Cây ổi có tên khoa học là Psidium guajava thuộc họ Sim (Myrtaceae). Ngoài ra, cây ổi còn có các tên gọi khác như Phan thạch lựu, Là ủi, Mù úi piếu, Mác ổi…
Đặc điểm hình thái: Ổi thuộc loại cây nhỡ cao từ 3 đến 5m, cành nhỏ. Lá ổi có hình bầu dục, thuôn tròn, dài khoảng 11 – 16cm, rộng khoảng 5 – 7cm, mọc đối, mặt trên có màu xanh đậm hơn mặt dưới. Lá non mặt trên nhẵn hoặc có lông, mặt dưới thường có lông mịn. Phiến lá nguyên, không xẻ thùy, cuống lá ngắn, có gân nổi rõ ở mặt dưới lá hình lông chim. Hoa ổi mọc đơn ở các kẽ lá, màu trắng. Quả mọng, ở đầu có sẹo của đài chứa nhiều hạt, hình dạng tùy theo từng loài cây ổi.
Bộ phận dùng: Búp non, lá, vỏ thân, rễ hay quả đều có thể dùng làm thuốc.
Phân bố: Cây ổi được cho là bắt nguồn từ Brazil, phát triển thuận lợi ở những vùng có khí hậu ẩm. Ở Việt Nam, ổi được trồng ở khắp các tỉnh thành vừa làm thuốc vừa làm cây ăn quả.
Lá ổi mang lại rất nhiều công dụng cho sức khỏe con người. Trong đó, các hoạt chất chống oxy hóa như tannin, polyphenol, flavonoid… giúp kháng khuẩn, kháng viêm tốt. Từ đó giúp hỗ trợ cải thiện tiêu hóa, điều trị tiêu chảy, giảm cân, ổn định đường huyết và giảm Cholesterol… Hiện nay, lá ổi còn được rất nhiều người coi là “thần dược” chữa ung thư đại tràng. Đây có phải là sự thật? Câu trả lời sẽ được bật mí ngay dưới đây.

2. Tác dụng của lá ổi với bệnh ung thư đại tràng
Thực tế, hiện nay vẫn chưa có nhiều nghiên cứu khoa học chứng minh lá ổi chữa ung thư đại tràng. Tác dụng và cách sử dụng lá ổi với bệnh ung thư đại tràng chỉ là những lời đồn đoán và truyền miệng từ người này đến người khác.
Các nghiên cứu khoa học cho thấy lá ổi chứa có chứa một số hoạt chất chống oxy hóa mạnh như lycopene, quercetin, vitamin C giúp trung hòa các gốc tự do, ngăn ngừa sự hình thành và phát triển của các tế bào ung thư. Ngoài ra, lượng tinh dầu trong lá ổi có tác dụng làm lành các tổn thương niêm mạc đại tràng rất hiệu quả.
Năm 2011, một nghiên cứu khoa học được công bố trên tạp chí Food Chemistry, chiết xuất từ lá ổi có thể kích hoạt quá trình tự chết của một số tế bào ung thư dạ dày. Một nghiên cứu khác cho rằng chất lycopene là hoạt chất quan trọng có khả năng ngăn ngừa ung thư vú, ung thư tuyến tiền liệt và vòm họng.
Mặc dù vậy, cơ chế tác dụng của chiết xuất lá ổi với các bệnh ung thư vẫn chưa được hiểu rõ. Do đó, lá ổi cần được nghiên cứu sâu hơn về tác dụng chống ung thư, đặc biệt là đối với ung thư đại tràng.
Xem thêm: Góc giải đáp: Có nên chữa ung thư trực tràng bằng đông y

3. Bài thuốc chữa ung thư đại tràng bằng lá ổi
Theo Đông y, lá ổi có vị chua, chát, tính bình, không độc, có tác dụng cầm tiêu chảy, trị tiết tả, bệnh lỵ mạn tính… Có thể dùng tươi hoặc sấy khô, sắc nước uống. Do đó, nhiều người sử dụng lá ổi như một bài thuốc dân gian giúp hỗ trợ tăng cường chức năng đường tiêu hóa, cải thiện các triệu chứng của ung thư đại tràng. Hầu hết các bài thuốc dân gian sử dụng lá ổi đều khá đơn giản, lành tính và hiệu quả.
Bài thuốc phổ biến nhất hiện nay dùng trong hỗ trợ hệ tiêu hóa nói chung và đại tràng nói riêng là đun hoặc pha lá ổi non với nước ấm dùng làm trà. Người ta thường sấy khô rồi nghiền lá ổi non thành bột mịn. Sau đó, lấy khoảng 6g bột pha với 200ml nước ấm, ngày dùng 2 lần là thấy hiệu quả rõ rệt.
Với các trường hợp tiêu chảy, người bệnh có thể kết hợp lá ổi non với muối ăn, bột gạo hoặc gừng tươi, lá trà xanh, vỏ bưởi… để cầm tiêu chảy.

4. Có nên chữa ung thư đại tràng bằng lá ổi không?
Như đã nói ở trên, tác dụng chữa ung thư đại tràng của lá ổi cần được khoa học nghiên cứu và chứng minh rõ ràng hơn. Vậy nên, người bệnh không nên coi lá ổi như là một phương pháp điều trị ung thư đại tràng. Việc sử dụng lá ổi chỉ có tác dụng hỗ trợ chứ không thể thay thế cho các phương pháp điều trị ung thư đại tràng hiện nay. Người bệnh đừng nhầm lẫn hai khái niệm này để tránh làm nặng thêm tình trạng bệnh.
Ngoài ra, khi dùng lá ổi tùy theo cơ địa mỗi người mà người bệnh có thể gặp một số tác dụng không mong muốn như sau: đau dạ dày, buồn nôn, nôn, táo bón… Đặc biệt ở những bệnh nhân ung thư điều trị bằng hóa chất, việc dùng lá ổi có thể làm tăng thêm các tác dụng phụ gây buồn nôn và nôn. Hơn nữa, bệnh nhân ung thư còn phải dùng rất nhiều loại thuốc, các hoạt chất trong lá ổi có thể xảy ra tương tác làm ảnh hưởng đến tác dụng điều trị.
Chính vì vậy, người bệnh ung thư đại tràng không nên dùng lá ổi để điều trị tại nhà. Nếu muốn sử dụng lá ổi để hỗ trợ điều trị cùng các phương pháp khác, người bệnh cần tham khảo ý kiến của bác sĩ điều trị.
Dưới đây là một số lưu ý giúp người bệnh sử dụng lá ổi một cách an toàn:
- Các loại dược liệu hiện nay được chế biến khá sơ sài, có thể không đảm bảo vệ sinh. Người bệnh cần phải tìm hiểu thật kỹ nguồn gốc xuất xứ, chất lượng lá ổi trước khi mua.
- Không uống nước lá ổi như một biện pháp cung cấp nước thay thế nước lọc hàng ngày.
- Chỉ nên uống nước lá ổi pha loãng, không nên pha quá đặc, tránh bị táo bón.
- Không nên sử dụng quá liều hay trong thời gian quá dài.
- Không dùng cùng các loại thuốc khác tránh tương tác thuốc, không uống nước lá ổi trước và sau khi uống thuốc 1 giờ.
- Cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng lá ổi.
- Kết hợp dùng lá ổi với chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục đều đặn giúp tăng cường sức khỏe, cải thiện đường tiêu hóa.
