Sờ thấy cục ở bụng trên là bệnh gì? Có phải ung thư không?

 2131 lượt xem

Sờ thấy cục ở bụng trên có phải là dấu hiệu cảnh báo bệnh nguy hiểm? Hãy cùng tìm hiểu các nguyên nhân làm xuất hiện các cục cứng này qua bài viết dưới đây nhé!

Sờ thấy cục ở bụng trên là bệnh gì?
Sờ thấy cục ở bụng trên là bệnh gì?

1. Sờ thấy cục cứng ở bụng trên là bệnh gì?

Sờ thấy cục ở bụng trên là hiện tượng nhiều người gặp phải. Cục cứng xuất hiện trên bụng có thể đi kèm với cảm giác đau hay khó chịu khi ấn vào. 

Sau đây là một số nguyên nhân làm xuất hiện cục cứng ở bụng:

1.1. U mỡ

Sờ thấy cục cứng ở bụng trên có thể là do sự xuất hiện của khối u mỡ. U mỡ là khối u được hình thành do sự tích tụ của chất béo dưới da. Đặc điểm của u mỡ là dịch chuyển được và không gây đau đớn. 

Các khối u mỡ đa phần đều lành tính nên thường không cần điều trị. Tuy nhiên, số ít trường hợp khối u mỡ đè lên dây thần kinh gây đau đớn hoặc chèn ép vào các cơ quan nội tạng khiến chức năng của các cơ quan này bị rối loạn thì cần phải có biện pháp can thiệp

1.2. Tinh hoàn ẩn

Tinh hoàn ẩn có thể là nguyên nhân khiến bạn sờ thấy cục ở bụng. Bệnh lý này thường gặp ở các bé trai với tỉ lệ 3-4%, là tình trạng khi trẻ sinh ra cả một hoặc 2 tinh hoàn không di chuyển xuống bìu mà nằm trên ổ bụng hoặc chỉ xuống bìu một phần. 

Tinh hoàn ẩn
Tinh hoàn ẩn

Những trẻ có nguy cơ cao bị tinh hoàn ẩn: 

  • Trẻ sinh ra có cân nặng thấp (dưới 0,9kg), trẻ sinh non khoảng 30%, tiền sử gia đình có người bị bệnh này những vấn đề về phát triển hệ sinh dục khác. 
  • Trẻ mắc hội chứng Down hay khiếm khuyết thành bụng.
  • Thai phụ lạm dụng rượu bia, thuốc lá, béo phì, tiểu đường loại 1, loại 2 hay tiểu đường thai kỳ… làm tăng nguy cơ gây ra tình trạng tinh hoàn ẩn ở trẻ

Nếu không được can thiệp sớm có thể gây ra các biến chứng như ung thư tinh hoàn, xoắn tinh hoàn, thoát vị bẹn hay chấn thương tinh hoàn. Phẫu thuật là phương pháp duy nhất đưa tinh hoàn về vị trí cũ.

1.3. Thoát vị thành bụng

Bình thường, thành bụng có nhiệm vụ bảo vệ và giữ cho các cơ quan nội tạng nằm yên tại vị trí của nó. Tuy nhiên, vì lý do nào đó mà thành bụng bị yếu hay hở khiến cơ quan nội tạng nào đó dịch chuyển vào vị trí đó và tạo thành bọc lồi trên bụng. Vị trí thành bụng yếu có thể là vết mổ cũ hoặc nơi thành bụng không có lớp cơ 

Một số đối tượng có nguy cơ cao bị thoát vị thành bụng là:

  • Những người từng phẫu thuật vùng bụng
  • Người bị béo phì, thừa cân
  • Người lạm dụng rượu bia, thuốc lá
  • Những người thường xuyên lao động nặng, dùng nhiều sức

Thoát vị thành bụng là bệnh lý nguy hiểm: khối thoát vị có thể bị hoại tử nếu không được can thiệp kịp thời. Tùy vào mức độ bệnh và thể trạng bệnh nhân mà bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc điều trị hoặc phẫu thuật.

Thoát vị thành bụng
Thoát vị thành bụng

1.4. Do tụ máu

Sờ thấy cục ở bụng trên có thể là các khối máu tụ. Tụ máu là tình trạng các mao mạch bị tổn thương khiến máu chảy vào các mô xung quanh và tụ lại thành các khối. Tụ máu thường xảy ra sau khi bụng bị chấn thương.

Trường hợp này, ngoài sờ thấy cục cứng là khối máu tụ, bạn còn có thể quan sát thấy vùng da xung quanh khối máu tụ đổi màu, sưng viêm kèm theo cảm giác đau khi ấn vào. Tuy nhiên tình trạng này không có gì đáng ngại vì nó sẽ biến mất theo thời gian

1.5. Dấu hiệu cảnh báo khối u

Vùng bụng trên chứa các cơ quan: gan, tụy, dạ dày, đại tràng. Vì vậy, khi sờ thấy cục ở bụng trên có thể là khối u đang phát triển ở các cơ quan này. 

  • Ung thư dạ dày: 
    • Là bệnh ung thư phổ biến có tỷ lệ tử vong đứng thứ 3 ở Việt Nam.
    • Các triệu chứng thường gặp của ung thư dạ dày gồm: khối u nổi rõ sau bữa ăn và có thể di động theo nhịp thở, đau bụng âm ỉ, đầy bụng khó tiêu, nôn ra máu, đi ngoài phân đen, ợ chua ợ nóng, sụt cân nhanh, mệt mỏi, chán ăn,…
    • Nguyên nhân gây ung thư dạ dày gồm: nhiễm vi khuẩn H.pylori, bệnh viêm loét dạ dày tái phát, lạm dụng rượu bia, thuốc lá, chế độ ăn nhiều thực phẩm có chứa chất bảo quản, tiền sử gia đình có người mắc ung thư dạ dày,…
Ung thư dạ dày
Ung thư dạ dày
  • Ung thư gan: Ở giai đoạn cuối của bệnh, khối u phát triển nhanh chóng về kích thước và nổi rõ trên bụng, bệnh nhân có thể dễ dàng sờ thấy được. Đi kèm với đó là các triệu chứng: vàng da, ngứa da, chướng bụng, sụt cân, nôn và buồn nôn, rối loạn tiêu hóa,…
  • Ung thư đại tràng: 
    • 60% bệnh nhân ung thư đại tràng sờ thấy khối u nổi lên ở bụng. Tuy nhiên, khi sờ thấy khối u thì thường bệnh đã ở giai đoạn muộn
    • Ung thư đại tràng còn có các triệu chứng điển hình khác như: sụt cân, thiếu máu, sốt, có máu trong phân, rối loạn tiêu hóa, đau bụng,…
    • Những người có nguy cơ cao mắc ung thư đại tràng gồm: Người trên 50 tuổi, tiền sử gia đình có người mắc ung thư đại tràng, người bị bệnh tiểu đường, người viêm loét dạ dày,…
  • Ung thư đường mật trong gan: 
    • Các triệu chứng điển hình của ung thư đường mật trong gan gồm: vàng da, đau tức hạ sườn phải, sốt, mệt mỏi sụt cân, nôn và buồn nôn, chảy máu dạ dày,…
    • Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư đường mật trong gan: mắc các bệnh gan mạn tính (viêm gan B, viêm gan C, xơ gan), nhiễm ký sinh trùng, người bị sỏi mật, béo phì, người cao tuổi mắc các bệnh mạn tính,…
  • Ung thư tuyến tụy: 
    • Là loại ung thư hiếm gặp song có nguy cơ tử vong rất cao (90%), tiên lượng sống của bệnh nhân rất thấp ngay cả khi được phát hiện sớm. 
    • Triệu chứng của ung thư tuyến tụy: đau bụng, nôn và buồn nôn, vàng da, ngứa da, có huyết khối ở chân, nước tiểu sẫm màu, sụt cân, tắc ruột,…
    • Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư tuyến tụy là: bệnh đái tháo đường, bệnh lý mãn tính ở tuyến tụy, béo phì, tiền sử gia đình có người bị ung thư tuyến tụy,…
Ung thư tuyến tụy
Ung thư tuyến tụy

2. Khi nào sờ thấy cục ở bụng cần gặp bác sĩ?

Cục cứng xuất hiện ở bụng có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau. Đó có thể là vấn đề sức khỏe thông thường nhưng nhiều trường hợp là dấu hiệu cảnh báo bệnh lý nguy hiểm. Do đó, khi sờ thấy cục cứng ở bụng trên thì cần đi khám càng sớm càng tốt để tìm ra nguyên nhân và có phương pháp điều trị thích hợp.

Đặc biệt, khi sờ thấy cục cứng ở bụng kèm theo các triệu chứng sau đây thì cần tới cơ sở y tế để kiểm tra ngay lập tức:

  • Đau dữ dội quanh khối u
  • Sốt cao liên tục
  • Nôn mửa liên tục

Trên đây là những bệnh lý có thể xảy ra khi bạn sờ thấy cục cứng ở bụng trên. Hi vọng thông qua bài viết này, bạn sẽ có thêm kiến thức để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình mình. Để được tư vấn nhiều hơn, bạn có thể liên hệ trực tiếp với các Bác sĩ, Dược sĩ qua hotline 1800 6527 ngay nhé!

5/5 - (1 bình chọn)
Theo dõi
Thông báo của

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận