Từ A đến Z về Ung thư đại tràng di căn
Ung thư đại tràng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời thì tế bào ung thư sẽ rất nhanh lây lan ra khắp cơ thể. Khi đó, tình trạng bệnh sẽ trở nên rất nghiêm trọng và việc điều trị sẽ khó khăn hơn rất nhiều. Để hiểu rõ về ung thư đại tràng di căn, mời bạn đọc hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây.
1. Ung thư đại tràng di căn là gì?
Ung thư đại tràng di căn là tình trạng tế bào ung thư xuất phát từ khối u đại tràng lây lan đến các vị trí khác trong cơ thể. Khi di căn đến các cơ quan mới, những tế bào ung thư này sẽ có những biến đồi nhất định để né tránh hệ miễn dịch của cơ thể và hình thành các khối u thứ phát khiến tình trạng bệnh trở nên khó kiểm soát.

2. Ung thư đại tràng thường di căn đến đâu?
Ung thư đại tràng ban đầu chỉ là một khối u nhỏ, nằm ở lớp niêm mạc bên trong của đại tràng. Theo thời gian, các khối u này sẽ lớn dần lên. Nếu không có phương pháp điều trị kịp thời, khối ung thư sẽ lan rộng sang các lớp niêm mạc bên cạnh, xâm lấn vào các bộ phận lân cận. Đồng thời, tế bào ung thư sẽ tách ra khỏi khối u và xâm nhập vào mạch máu hay hệ thống bạch huyết để di chuyển tới các vị trí khác trong cơ thể.
Một số các cơ quan mà ung thư đại tràng thường di căn đến gồm:
- Ung thư đại tràng di căn gan: Gan là vị trí phổ biến nhất mà tế bào ung thư thường di căn tới. Nguyên nhân là bởi gan được bao bọc bởi mạng lưới mạch máu dày đặc nên các tế bào ung thư có thể dễ dàng thông qua hệ tuần hoàn mà di chuyển tới đây.
- Ung thư đại tràng di căn hạch: Hạch bạch huyết thường là nơi đầu tiên mà tế bào ung thư đại tràng di căn tới. Thường gặp nhất là ung thư đại tràng di căn tới các hạch bạch huyết ở ổ bụng. Còn các hạch ở xa hơn thì tế bào ung thư sẽ cần thời gian lâu hơn.
- Ung thư đại tràng di căn xương: Ở giai đoạn muộn, ung thư đại tràng có thể di căn tới xương, trong đó thường gặp nhất là xương cột sống, xương ngực, xương sườn, xương chậu, xương bàn tay, xương bàn chân.
- Ung thư đại tràng di căn phổi: Thống kê cho thấy, có khoảng 15% bệnh nhân ung thư đại tràng được chẩn đoán di căn phổi. Đây là vị trí phổ biến thứ 2 mà tế bào ung thư nhắm tới.
- Ung thư đại tràng di căn não: Tuy chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ nhưng lại đặc biệt nguy hiểm, cơ hội sống sót không cao.
- Ngoài các cơ quan trên, ung thư đại tràng còn có thể di căn tới một số bộ phận khác trong cơ thể nữa như bàng quang, cổ tử cung,…

3. Dấu hiệu của ung thư đại tràng di căn
Tình trạng di căn bắt đầu xảy ra từ thời điểm ung thư đại tràng giai đoạn 3. Lúc này khối u đã phát triển một cách mạnh mẽ khiến cho các triệu chứng trở nên rõ ràng hơn. Người bệnh xuất hiện đồng thời các dấu hiệu do khối u ở đại tràng và khối u thứ phát ở các vị trí mà nó di căn tới gây ra, gồm:
Triệu chứng tại đại tràng: Khối u có kích thước lớn xâm lấn, chèn ép vào đường tiêu hóa và gây ra các triệu chứng sau đây:
- Rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, táo bón, thường kèm theo đau co thắt vùng bụng, đầy bụng, chướng hơi,…
- Phân có hình dạng dẹt như lá lúa, phân lẫn nhày và máu
- Chán ăn, cơ thể mệt mỏi, suy nhược, sụt cân nghiêm trọng
- Thường xuyên buồn nôn và nôn
- …
Triệu chứng tại cơ quan mà tế bào ung thư di căn tới:
- Di căn phổi: Khối u hình thành và phát triển gây tổn thương tại phổi, chèn ép đường khí quản khiến bệnh nhân cảm thấy khó thở, đau tức ngực, ho dai dẳng, ho ra máu,…
- Di căn gan: Các dấu hiệu khi ung thư đại tràng di căn gan bao gồm: vàng da, vàng mắt, ngứa ngáy, đau tức vùng hạ sườn phải, chướng bụng,…
- Di căn não: gây ra các triệu chứng như đau đầu, chóng mặt, suy giảm trí nhớ, buồn nôn, mất khả năng thăng bằng, vận động, liệt,…
- Di căn xương: Tại xương, khối u chèn ép xâm lấn và phá hủy các mô xương khiến người bệnh xuất hiện các triệu chứng như đau nhức xương, đau cột sống, trường hợp nặng có thể gây gãy xương.

4. Cách chẩn đoán khối u đại tràng di căn
Để xác định chính xác tình trạng của người bệnh, sau khi tiến hành thăm khám lâm sàng và khai thác tiền sử bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân làm một số xét nghiệm sau:
- Siêu âm ổ bụng: Hình ảnh sinh âm sẽ giúp bác sĩ xác định xem có khối u xuất hiện ở gan, bàng quang hay các tạng khác trong ổ bụng hay chưa.
- Chụp CT: Chụp CT thường được chỉ định để kiểm tra xem khối u đã di căn tới các hạch bạch huyết, hay các cơ quan khác trong lồng ngực, ổ bụng hay xương chậu chưa.
- Chụp MRI: Bác sĩ có thể chỉ định chụp MRI nếu có nghi ngờ ung thư di căn tới các khu vực trong ổ bụng, vùng chậu hay các hạch bạch huyết.
- Chụp X-quang: Được chỉ định để phát hiện ung thư đại tràng di căn phổi và xương.
- Chụp PET/CT: Đây là phương pháp mới và hiện đại được sử dụng để kiểm tra di căn toàn cơ thể, bao gồm cả não, tim…Phương pháp này không chỉ có giá trị chẩn đoán mà còn giúp phân loại giai đoạn di căn, có ích trong việc lên kế hoạch điều trị.
Xem thêm: Sinh thiết đại tràng: Vai trò trong chẩn đoán ung thư và quy trình thực hiện
5. Các phương pháp điều trị ung thư đại tràng di căn
Khi ung thư đại tràng đã đến giai đoạn di căn thì rất khó có thể chữa khỏi. Mục tiêu điều trị lúc này chủ yếu chỉ là làm chậm quá trình lây lan của tế bào ung thư, kéo dài tuổi thọ và làm giảm nhẹ các triệu chứng của bệnh.
Các phương pháp thường được sử dụng để điều trị ung thư đại tràng di căn gồm:
- Phẫu thuật: Phương pháp này thường được chỉ định trong trường hợp ung thư đại tràng mới chỉ di căn tới một cơ quan riêng lẻ và khối u thứ phát có kích thước nhỏ, chưa lây lan nhiều. Ngoài ra, phẫu thuật cũng có thể được sử dụng để điều trị các biến chứng do khối u gây ra như tắc ruột,…

- Hóa trị: Đây là liệu pháp chính được chỉ định trong ung thư đại tràng di căn. Hóa chất được đưa vào cơ thể bằng đường uống hoặc truyền tĩnh mạch để tiêu diệt tế bào ung thư, thu nhỏ kích thước khối u.
- Xạ trị: Đây là phương pháp điều trị tại chỗ. Xạ trị thường được sử dụng kết hợp với hóa trị để nâng cao hiệu quả điều trị.
- Điều trị giảm nhẹ: Bác sĩ có thể kê đơn thuốc giúp làm giảm các cơn đau, đặt stent vào đại tràng để khắc phục tình trạng tắc ruột,… nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.
Tùy thuộc vào tình trạng cụ thể của người bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp phù hợp nhằm mang tới hiệu quả điều trị tối ưu nhất.
6. Ung thư đại tràng di căn sống được bao lâu?
Khi bệnh nhân được chẩn đoán mắc ung thư đại tràng di căn cũng đồng nghĩa với việc bệnh đã trở nên trầm trọng. Lúc này tiên lượng bệnh rất xấu. Số liệu thống kê cho thấy, tỷ lệ sống sót sau 5 năm của bệnh nhân ung thư đại tràng di căn chỉ còn chưa tới 20%.
Mặc dù vậy, bệnh nhân cũng không nên quá hoang mang, lo lắng bởi trên thực tế, thời gian sống sót của mỗi bệnh nhân là khác nhau vì phụ thuộc vào nhiều yếu tố như thể trạng người bệnh, vị trí di căn, bệnh lý nền, phương pháp điều trị, khả năng đáp ứng với điều trị,…
Vì vậy, để kéo dài thời gian sống, các chuyên gia khuyến cáo người bệnh cần thực hiện tốt các biện pháp sau đây:
- Tuân thủ điều trị: Đây là lưu ý đầu tiên mà bệnh nhân cần ghi nhớ. Tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ sẽ giúp cải thiện thời gian sống cho người bệnh.
- Luôn giữ tinh thần lạc quan, suy nghĩ tích cực. Dành nhiều thời gian thư giãn, nghỉ ngơi, tránh căng thẳng kéo dài.
- Thường xuyên vận động, tập thể dục, thể thao hợp lý, phù hợp với tình trạng sức khỏe bản thân.
- Tránh tiếp xúc với các hóa chất độc hại, các tia phóng xạ
- Xây dựng chế độ ăn uống khoa học, hợp lý: Ung thư đại trực tràng nên ăn gì, kiêng gì? Người bệnh cần lưu ý để lựa chọn những loại thực phẩm tốt cho sức khỏe, đồng thời tránh xa những thực phẩm có thể khiến tình trạng bệnh trầm trọng hơn.