Từ A đến Z về Chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân ung thư

 96 lượt xem

Bên cạnh việc điều trị thì chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân ung thư cũng giữ vai trò hết sức quan trọng. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, người bệnh được chăm sóc giảm nhẹ đồng thời với điều trị ung thư thường ít gặp các triệu chứng nặng hơn, có chất lượng cuộc sống tốt hơn. 

Chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân ung thư là gì?
Chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân ung thư là gì?

1. Chăm sóc giảm nhẹ là gì?

Bộ y tế Việt Nam định nghĩa chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân ung thư là các biện pháp giúp giảm sự đau khổ và cải thiện chất lượng chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân thông qua việc phòng ngừa, phát hiện sớm, điều trị đau và các vấn đề về tâm lý và thực thể khác, tư vấn và hỗ trợ tập trung vào các vấn đề về tâm linh và xã hội mà bệnh nhân và gia đình họ đang phải gánh chịu.

Như vậy, phạm vi của chăm sóc giảm nhẹ cho người bệnh ung thư bao gồm:

  • Kiểm soát các triệu chứng khó chịu do bệnh ung thư gây ra
  • Hỗ trợ giảm thiểu các tác dụng phụ của các phương pháp điều trị
  • Tư vấn và hỗ trợ các vấn đề về tinh thần, tình cảm và xã hội của bệnh nhân
  • Hỗ trợ các nhu cầu của gia đình và người chăm sóc bệnh nhân.

Mục tiêu của chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân ung thư là cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh. 

Chăm sóc giảm nhẹ dựa trên nhu cầu của cá nhân, chứ không phải dựa trên chẩn đoán hoặc tiên lượng bệnh của bệnh nhân

2. Vai trò của chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân ung thư

Chăm sóc giảm nhẹ không chỉ là việc hỗ trợ cuối đời cho bệnh nhân ung thư, mà còn mang lại nhiều lợi ích thiết thực, giúp họ sống thoải mái và an tâm hơn trong giai đoạn khó khăn này.

Một trong những lợi ích quan trọng nhất là việc kiểm soát và giảm nhẹ các triệu chứng đau đớn, mệt mỏi, buồn nôn… thường gặp ở bệnh nhân ung thư. Nhờ đó, người bệnh cảm thấy dễ chịu hơn.

Bên cạnh đó, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những bệnh nhân ung thư được chăm sóc giảm nhẹ có thời gian sống trung bình tăng hơn 30% so với nhóm chỉ điều trị theo phác đồ thông thường. 

Ngoài ra, chăm sóc giảm nhẹ còn giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Các nghiên cứu cho thấy, việc tiếp nhận chăm sóc giảm nhẹ sớm và thường xuyên giúp bệnh nhân ung thư cảm thấy thoải mái, giảm bớt lo âu, phiền muộn hơn. 

Không chỉ hỗ trợ bệnh nhân, chăm sóc giảm nhẹ còn hướng tới việc giúp đỡ cả gia đình người bệnh và người chăm sóc trực tiếp cho bệnh nhân. Các chương trình này thường cung cấp các hướng dẫn, tư vấn về cách chăm sóc bệnh nhân, giúp gia đình giảm bớt căng thẳng, lo âu và cảm thấy an tâm hơn trong quá trình chăm sóc người bệnh. 

Thực hiện chăm sóc giảm nhẹ giúp nâng cao chất lượng sống cho người bệnh
Thực hiện chăm sóc giảm nhẹ giúp nâng cao chất lượng sống cho người bệnh

3. Thời điểm thực hiện chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân ung thư

Chăm sóc giảm nhẹ không chỉ dành cho giai đoạn cuối đời của bệnh nhân ung thư mà có thể được thực hiện tại bất kỳ thời điểm nào trong quá trình điều trị ung thư. Việc áp dụng sớm và xuyên suốt mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho cả người bệnh và gia đình của họ

Chăm sóc giảm nhẹ ngay từ khi chẩn đoán

Ngay khi được chẩn đoán mắc bệnh ung thư, bệnh nhân có thể tham gia chương trình chăm sóc giảm nhẹ. Điều này giúp họ:

  • Hiểu rõ hơn về tình trạng bệnh và các lựa chọn điều trị.
  • Lên kế hoạch điều trị phù hợp với mong muốn và mục tiêu cá nhân.
  • Chuẩn bị tinh thần và tâm lý cho giai đoạn điều trị sắp tới.
  • Giảm bớt lo lắng, sợ hãi và cải thiện chất lượng cuộc sống.

Chăm sóc giảm nhẹ trong quá trình điều trị

Chăm sóc giảm nhẹ tiến hành song song với các phương pháp điều trị ung thư như phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, miễn dịch… giúp:

  • Kiểm soát và giảm nhẹ các triệu chứng và tác dụng phụ của điều trị.
  • Thúc đẩy sự tuân thủ phác đồ điều trị, nâng cao hiệu quả điều trị.
  • Giúp bệnh nhân cảm thấy thoải mái, an tâm và lạc quan hơn.

Chăm sóc giảm nhẹ các trường hợp đặc biệt

Đối với những trường hợp điều trị kém hiệu quả hoặc có các bệnh lý mãn tính đi kèm như suy tim, suy thận, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính giai đoạn cuối,… việc áp dụng chăm sóc giảm nhẹ càng trở nên quan trọng, giúp: 

  • Cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.
  • Giảm gánh nặng cho gia đình và người chăm sóc.
  • Chuẩn bị cho bệnh nhân một hành trình cuối đời thanh thản và ý nghĩa.

4. Các loại hình chăm sóc giảm nhẹ cho người ung thư

Chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân ung thư là một quá trình toàn diện, bao gồm nhiều loại hình hỗ trợ nhằm giúp bệnh nhân cải thiện chất lượng cuộc sống, giảm nhẹ các triệu chứng và tác dụng phụ của bệnh ung thư và các phương pháp điều trị. Dưới đây là một số loại hình chăm sóc giảm nhẹ phổ biến trên thế giới hiện nay:

Hỗ trợ về mặt xã hội:

  • Giúp bệnh nhân chia sẻ cảm xúc, lo lắng, sợ hãi, bực bội,… về bệnh tật và quá trình điều trị.
  • Kết nối bệnh nhân với những người cùng hoàn cảnh để chia sẻ kinh nghiệm, động viên và hỗ trợ lẫn nhau.
  • Hỗ trợ bệnh nhân giải quyết các vấn đề về tài chính, pháp lý, nhà ở, đi lại,…
  • Giúp đỡ bệnh nhân trong các sinh hoạt cá nhân, hỗ trợ gia đình họ trong việc chăm sóc bệnh nhân.

Hỗ trợ về mặt tinh thần:

  • Giúp bệnh nhân tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống, giải đáp các thắc mắc về đức tin và tôn giáo.
  • Kết nối bệnh nhân với các hoạt động tôn giáo, nghi lễ tâm linh phù hợp với niềm tin của họ.
  • Giúp bệnh nhân đối mặt với các vấn đề tâm lý như lo âu, trầm cảm, mất ngủ,… do bệnh ung thư gây ra.

Xem thêm:

Điều trị tâm lý cho bệnh nhân ung thư và những điều cần lưu ý

Cách an ủi và động viên bệnh nhân ung thư

Hỗ trợ tài chính:

  • Hỗ trợ bệnh nhân và gia đình lập kế hoạch chi tiêu, quản lý tài chính hợp lý trong quá trình điều trị.
  • Cung cấp trợ cấp, hỗ trợ tài chính cho bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn.
  • Giúp đỡ tìm kiếm các chương trình hỗ trợ: Thuốc miễn phí, giảm giá, bảo hiểm y tế,…
Chăm sóc giảm nhẹ giúp tìm kiếm các chương trình hỗ trợ cho bệnh nhân
Chăm sóc giảm nhẹ giúp tìm kiếm các chương trình hỗ trợ cho bệnh nhân

Chăm sóc sức khỏe thể chất:

  • Kiểm soát triệu chứng: Sử dụng thuốc giảm đau, thuốc chống buồn nôn, thuốc an thần,… để kiểm soát các triệu chứng do bệnh ung thư và các phương pháp điều trị gây ra.
  • Vật lý trị liệu: Giúp bệnh nhân cải thiện khả năng vận động, phục hồi chức năng sau phẫu thuật hoặc điều trị.
  • Dinh dưỡng: Tư vấn chế độ ăn uống phù hợp, cung cấp đầy đủ dưỡng chất cần thiết cho bệnh nhân.
  • Chăm sóc giấc ngủ: Giúp bệnh nhân cải thiện chất lượng giấc ngủ, giảm bớt tình trạng mất ngủ.

Chăm sóc sau khi kết thúc điều trị ung thư:

  • Theo dõi sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm các biến chứng, di căn hoặc tái phát của bệnh ung thư.
  • Giúp đỡ bệnh nhân đối mặt với các vấn đề tâm lý sau điều trị, tái hòa nhập cộng đồng.
  • Giúp bệnh nhân phục hồi sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống sau điều trị.

Chăm sóc cho thân nhân, người chăm sóc bệnh nhân:

  • Giúp đỡ thân nhân, người chăm sóc bệnh nhân giải tỏa căng thẳng, lo âu, mệt mỏi trong quá trình chăm sóc người bệnh.
  • Hướng dẫn kỹ năng chăm sóc bệnh nhân ung thư tại nhà.
  • Kết nối thân nhân, người chăm sóc bệnh nhân với các nhóm hỗ trợ để chia sẻ kinh nghiệm và được hỗ trợ lẫn nhau.

Ngoài ra, còn có nhiều loại hình chăm sóc giảm nhẹ khác phù hợp với nhu cầu cụ thể của từng bệnh nhân. Việc lựa chọn loại hình chăm sóc giảm nhẹ nào sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như giai đoạn bệnh, tình trạng sức khỏe, nhu cầu và mong muốn của bệnh nhân.

5. Ai tham gia vào việc chăm sóc giảm nhẹ?

Chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân ung thư là một quá trình toàn diện, cần sự phối hợp chặt chẽ của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực y tế. Dưới đây là những thành viên chính trong đội ngũ chăm sóc giảm nhẹ, cùng với vai trò và trách nhiệm của họ:

Bác sĩ, điều dưỡng:

  • Cung cấp điều trị chuyên khoa kết hợp điều trị giảm nhẹ, giúp kiểm soát các triệu chứng gây khó chịu cho bệnh nhân.
  • Thực hiện các dịch vụ thăm khám tại nhà cho những bệnh nhân gặp khó khăn trong việc đến bệnh viện.
  • Đối với những trường hợp bệnh nhân giai đoạn cuối đang sử dụng các thuốc giảm đau ung thư nhóm opioid, bác sĩ sẽ theo dõi và điều chỉnh liều lượng phù hợp để đảm bảo hiệu quả và an toàn cho bệnh nhân.
Bác sĩ, điều dưỡng tham gia vào chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân
Bác sĩ, điều dưỡng tham gia vào chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân

Nhân viên công tác xã hội:

  • Tư vấn cho bệnh nhân và gia đình về các vấn đề tâm lý, xã hội và pháp lý liên quan 
  • Hỗ trợ gia đình bệnh nhân tiếp cận các nguồn lực hỗ trợ tài chính, phương tiện đi lại, sắp xếp các công việc trong gia đình.
  • Kết nối người bệnh với các chương trình cộng đồng phù hợp.

Chuyên gia điều trị đau:

  • Hợp tác với bác sĩ điều trị và nhóm chăm sóc giảm nhẹ để xây dựng kế hoạch điều trị đau toàn diện cho bệnh nhân.
  • Áp dụng các phương pháp điều trị giảm đau dùng thuốc và không dùng thuốc, hoặc các liệu pháp giảm đau can thiệp phù hợp với từng bệnh nhân.
  • Mục tiêu là giúp bệnh nhân giảm bớt đau đớn, cải thiện chất lượng cuộc sống và duy trì chức năng hoạt động.

Chuyên gia dinh dưỡng:

  • Đánh giá tình trạng dinh dưỡng của bệnh nhân và xây dựng chế độ ăn phù hợp, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng trong quá trình điều trị.
  • Tư vấn cách bổ sung dưỡng chất, hỗ trợ người bệnh ăn ngon miệng hơn.
  • Xác định và xử lý các vấn đề dinh dưỡng thường gặp ở bệnh nhân ung thư như buồn nôn, biếng ăn.

Xem thêm: Chế độ dinh dưỡng cho người ung thư như thế nào là tốt?

Chuyên viên vật lý trị liệu:

  • Lập kế hoạch tập vật lý trị liệu giúp bệnh nhân cải thiện khả năng vận động, di chuyển, tự chăm sóc bản thân.
  • Hỗ trợ phục hồi chức năng sau phẫu thuật, giảm nguy cơ biến chứng do nằm viện lâu dài.
  • Giúp bệnh nhân duy trì hoặc cải thiện thể chất trong và sau khi điều trị.
Nhân viên vật lý trị liệu hỗ trợ phục hồi chức năng cho bệnh nhân
Nhân viên vật lý trị liệu hỗ trợ phục hồi chức năng cho bệnh nhân

Các thành viên trong gia đình:

  • Quan tâm, chăm sóc, động viên tinh thần cho bệnh nhân, giúp họ vượt qua giai đoạn khó khăn trong quá trình điều trị.
  • Hỗ trợ bệnh nhân thực hiện các kế hoạch chăm sóc giảm nhẹ tại nhà.
  • Là nguồn động lực giúp bệnh nhân có thêm nghị lực để tiếp tục điều trị và sống một cách ý nghĩa.

Ngoài ra, đội ngũ chăm sóc giảm nhẹ còn có thể bao gồm các chuyên gia tâm lý, cha xứ, thầy tu (hỗ trợ về vấn đề đức tin và tâm linh), tình nguyện viên,… Mỗi thành viên đều đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ bệnh nhân ung thư về mặt thể chất, tinh thần và xã hội, giúp họ cải thiện chất lượng cuộc sống và sống một cách trọn vẹn nhất trong giai đoạn cuối đời.

Các thành viên trong gia đình cũng là những người hỗ trợ tích cực vào việc chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân
Các thành viên trong gia đình cũng là những người hỗ trợ tích cực vào việc chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân

6. Một số câu hỏi thường gặp

Làm thế nào để được hưởng dịch vụ chăm sóc giảm nhẹ?

Bệnh nhân có thể trao đổi với bác sĩ điều trị để được tư vấn và giới thiệu đến các dịch vụ chăm sóc giảm nhẹ phù hợp.

Ngoài ra, gia đình bệnh nhân cũng có thể liên hệ trực tiếp với các tổ chức cung cấp dịch vụ chăm sóc giảm nhẹ.

Chăm sóc giảm nhẹ có phải là chăm sóc cuối đời không?

Câu trả lời là Không. Cả 2 loại hình này đều hướng tới mục tiêu chung là giảm nhẹ triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người mắc bệnh nặng. Tuy nhiên chúng khác biệt ở thời điểm thực hiện:

  • Chăm sóc giảm nhẹ: có thể thực hiện ở bất kỳ giai đoạn nào của bệnh
  • Chăm sóc cuối đời: Chỉ dành cho những bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối 

Chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân ung thư được thực hiện ở đâu?

Chăm sóc giảm nhẹ có thể được thực hiện tại nhà, trong bệnh viện hoặc tại các đơn vị cung cấp dịch vụ chăm sóc giảm nhẹ tại cộng đồng.

Hi vọng những thông tin hữu ích có trong bài viết trên sẽ giúp bạn hiểu hơn về chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân ung thư. Nếu bạn cần tìm hiểu thêm, vui lòng gọi tới Hotline 1800 6527 để được dược sĩ tư vấn.

5/5 - (1 bình chọn)
Theo dõi
Thông báo của

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận