8 nguyên nhân ung thư tuyến giáp thường gặp và cách phòng ngừa
Theo thống kê hiện nay, tỷ lệ người mắc ung thư tuyến giáp khá cao và đang có xu hướng trẻ hóa. Bài viết dưới đây sẽ trình bày 8 nguyên nhân ung thư tuyến giáp thường gặp và cách phòng ngừa, mời bạn cùng theo dõi!

1. Nguyên nhân và các yêu tố nguy cơ gây ung thư tuyến giáp
Hiện nay các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra chính xác nguyên nhân gây ung thư tuyến giáp, tuy nhiên, những yếu tố sau đây được cho là tác nhân làm tăng nguy cơ mắc k tuyến giáp:
1.1. Tuổi tác và giới tính
Theo thống kê của Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, phụ nữ có nguy cơ mắc ung thư tuyến giáp cao gấp 3 lần nam giới. Cho tới nay, nguyên nhân của sự khác biệt này vẫn chưa được tìm hiểu rõ. Có một số giả thuyết cho rằng, điều này có thể liên quan đến hormone estrogen. Estrogen kích thích sự phát triển của các tế bào tuyến giáp, từ đó góp phần làm tăng khả năng hình thành bướu giáp và u tuyến giáp.
Nguy cơ mắc ung thư tuyến giáp cũng tăng lên theo tuổi. Ở phụ nữ, bệnh thường được chẩn đoán ở độ tuổi 40-50. Trong khi ở nhóm bệnh nhân nam, bệnh phổ biến hơn ở giai đoạn 60-70 tuổi.

1.2. Nguyên nhân ung thư tuyến giáp – Do di truyền
Ung thư tuyến giáp là bệnh lý ác tính thường gặp nhất trong số các bệnh ung thư tuyến nội tiết. Chính vì vậy, câu hỏi “Bệnh ung thư tuyến giáp có di truyền không?” đã trở thành nỗi băn khoăn của rất nhiều người, đặc biệt là khi có người thân trong gia đình mắc phải căn bệnh này.
Mặc dù cơ chế còn chưa được hiểu rõ hoàn toàn, nhưng việc có người thân trong gia đình (bao gồm bố mẹ, anh chị em ruột hoặc con cái) mắc ung thư tuyến giáp sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh của bạn. Thống kê cho thấy, ung thư tuyến giáp thể nhú (chiếm 80 đến 90% tất cả các ca ung thư tuyến giáp) có tính chất gia đình ở khoảng 5% bệnh nhân.

Bên cạnh tiền sử ung thư tuyến giáp gia đình, một số bệnh lý di truyền phổ biến cũng được xác định là liên quan đến ung thư tuyến giáp, bao gồm:
- Hội chứng đa u nội tiết (MEN): Khoảng 25% bệnh nhân phát triển ung thư tuyến giáp thể tủy có một gen bị lỗi di truyền liên quan đến MEN.
- Đa polyp tuyến gia đình (FAP): Hội chứng này dẫn đến hình thành nhiều khối u ở ruột. Một vài nghiên cứu cho thấy nguy cơ hình thành ung thư tuyến giáp cao hơn trên những bệnh nhân mắc hội chứng này.
- Bệnh Cowden: Đây là một rối loạn di truyền hiếm gặp làm xuất hiện nhiều khối u lành tính ở da và các cơ quan khác. Những người mắc hội chứng này cũng có nguy cơ cao mắc một số loại ung thư, bao gồm ung thư tuyến giáp, ung thư cổ tử cung và ung thư vú.
1.3. Tiếp xúc với các bức xạ
Tuyến giáp rất nhạy cảm với các bức xạ. Những người tiếp xúc nhiều với tia xạ có thể phát triển khối u trên tuyến giáp vài năm sau đó. Nguy cơ này phụ thuộc vào liều lượng bức xạ và tuổi của bệnh nhân: tuổi càng trẻ, khả năng mắc bệnh càng cao.
Trên thực tế, các nguồn bức xạ phổ biến mà bệnh nhân có thể tiếp xúc bao gồm:
Những bệnh nhân tiến hành xạ trị ở vùng đầu và cổ, đặc biệt là trẻ em, có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư tuyến giáp. Bệnh thường xuất hiện sau 20 đến 40 năm tiếp xúc với bức xạ; phụ thuộc vào loại bức xạ và liều lượng.
Bên cạnh đó, trẻ em được chiếu xạ liều thấp để điều trị các tình trạng không phải ung thư như nhiễm nấm da đầu, mụn trứng cá hoặc phì đại amidan sẽ có nguy cơ phát triển ung thư tuyến giáp cao hơn khi trưởng thành.

Nhiễm phóng xạ các vụ nổ hạt nhân
Một số nghiên cứu đã chỉ ra, nguy cơ ung thư tuyến giáp gia tăng ở trẻ em do bụi phóng xạ từ vũ khí hạt nhân hoặc tai nạn ở nhà máy điện. Ví dụ, tỷ lệ bệnh tăng lên ở trẻ em sống gần Chernobyl, nơi xảy ra vụ tai nạn nhà máy hạt nhân năm 1986 khiến hàng triệu người bị nhiễm phóng xạ.
Các xét nghiệm hình ảnh
Các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh, chẳng hạn như chụp X-quang và chụp CT, sử dụng bức xạ ion hóa để tạo ra hình ảnh cũng được cho là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư tuyến giáp. Để đảm bảo an toàn, trẻ em chỉ nên chụp X-quang hoặc chụp CT khi thực sự cần thiết. Việc này nên được thực hiện bằng cách sử dụng liều phóng xạ thấp nhất mà vẫn đảm bảo mang lại hình ảnh rõ ràng.
1.4. Tiền sử mắc các bệnh lý tuyến giáp
Theo các nghiên cứu, một số bệnh lý ở tuyến giáp có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư tuyến giáp, bao gồm:
- Bướu cổ
- Bệnh Hashimoto
- Nốt sần (adenomas) tuyến giáp
Khoảng 5% trường hợp khối u tuyến giáp là u ác tính. Do đó, nếu phát hiện bất cứ thay đổi bất thường nào ở tuyến giáp, hãy đi kiểm tra sớm để ngăn ngừa nguy cơ tiến triển thành ung thư.

1.5. Thừa cân, béo phì
Nghiên cứu của Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) cho thấy, béo phì là một yếu tố nguy cơ quan trọng của ung thư tuyến giáp. Để xác định xem một người có béo phì hay không, các nhà nghiên cứu thường sử dụng chỉ số khối cơ thể (BMI). Chỉ số BMI từ 25 đến 29,9 cho thấy bạn đang bị thừa cân, trong khi BMI từ 30 trở lên cảnh báo tình trạng béo phì. BMI càng cao, nguy cơ mắc bệnh càng tăng lên.
Sở dĩ thừa cân, béo phì được cho là tác nhân làm tăng nguy cơ mắc ung thư tuyến giáp là bởi ở những người bị thừa cân thường có sự thay đổi bất thường về nội tiết, trong đó có rối loạn chức năng tuyến giáp – tiền căn của ung thư tuyến giáp. Ngoài ra, béo phì thường đi kèm tình trạng viêm mạn tính và suy giảm hệ thống miễn dịch, từ đó có thể thúc đẩy sự phát triển của tế bào ung thư.
Xem thêm: Chi tiết các cách điều trị ung thư tuyến giáp cho từng giai đoạn

2. Biện pháp phòng ngừa ung thư tuyến giáp
Ung thư tuyến giáp là một bệnh lý nguy hiểm, do đó, việc sàng lọc và phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ gây bệnh đóng vai trò rất quan trọng. Dưới đây những biện pháp đơn giản và hiệu quả giúp giảm nguy cơ mắc căn bệnh này:
2.1. Kiểm tra tuyến giáp định kỳ
Ung thư tuyến giáp thường phát triển chậm, thời gian ủ bệnh có thể kéo dài nhiều năm, chỉ khi chuyển biến nặng mới thấy các triệu chứng rõ ràng. Nhờ những tiến bộ trong y học hiện đại ngày nay, nhiều trường hợp đã được phát hiện sớm và can thiệp kịp thời trước khi chuyển sang giai đoạn nguy hiểm.
Đặc biệt là những người có người thân trong gia định mắc ung thư cần tầm soát định kỳ. Các xét nghiệm di truyền có thể được thực hiện để tìm kiếm các đột biến gen. Bởi vì hầu hết các trường hợp di truyền mang tính chất chất gia đình của ung thư tuyến giáp có thể được ngăn ngừa hoặc điều trị sớm bằng cách loại bỏ tuyến giáp.

Tự kiểm tra cũng là một phần quan trọng trong sàng lọc ung thư. Đây là một cách đơn giản để phát hiện những thay đổi bất thường ở tuyến giáp. Nếu phát hiện một khối u hay hạch ở khu vực này, hãy đi khám bác sĩ để được kiểm tra kịp thời.
2.2. Thay đổi chế độ sống
Kiểm soát thói quen ăn uống và sinh hoạt đóng vai trò quan trọng trong phòng ngừa ung thư tuyến giáp. Các khuyến nghị chung bao gồm:
- Bỏ hút thuốc: Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh mãn tính, bao gồm cả ung thư tuyến giáp. Do đó, ngừng hút thuốc sớm sẽ đem lại nhiều lợi ích sức khỏe cho bạn.
- Kiểm soát cân nặng: Hãy duy trì cân nặng khỏe mạnh bằng cách ăn uống lành mạnh và tập thể dục thường xuyên.
- Chế độ ăn uống cân bằng: Một chế độ ăn uống lành mạnh đảm bảo cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể, từ đó giúp nâng cao sức khoẻ, tăng cường sức đề kháng. Theo đó, trong thực đơn ăn uống hàng ngày cần cân đối 4 loại nhóm chất thiết yếu (tinh bột, chất béo, protein, vitamin và khoáng chất), đặc biệt tăng cường bổ sung rau xanh, trái cây,… Đồng thời, cần hạn chế tiêu thụ các thực phẩm gây ung thư như chế biến sẵn, đồ ăn nhanh, rượu, đồ ngọt, thực phẩm có chứa nhiều đường,…
- Đảm bảo đủ lượng i-ốt cho cơ thể: Tuyến giáp cần được cung cấp đủ i-ốt để hoạt động bình thường. Thiếu i-ốt có thể dẫn đến bướu cổ, lâu ngày có thể làm tăng nguy cơ ung thư tuyến giáp.
Xem thêm: Phòng chống ung thư không hề khó nếu bạn xây dựng những thói quen này

2.3. Tránh tiếp xúc với các nguồn bức xạ
Đây là yếu tố nguy cơ chính gây ung thư tuyến giáp, đặc biệt ở trẻ em. Do đó, chỉ định chụp X-quang, CT chỉ được thực hiện khi thật sự cần thiết. Cần cân nhắc liều chụp cũng như liều điều trị và thời gian điều trị xạ trị trong các bệnh lý ung thư. Ngoài ra, nếu phải làm việc trong môi trường phải thường xuyên tiếp xúc với bức xạ, hãy đảm bảo trang bị đủ các thiết bị bảo hộ cho cơ thể.